Danh mục
BỆNH MYCETOMA
(Mycetoma)
1. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh Mycetoma là một thuật ngữ tiếng Hy Lạp có nghĩa là nấm. Bác sĩ John Gill lần đầu tiên mô tả bệnh Mycetoma năm 1842 ở Madura (Ấn Độ), vì thế đặt tên bệnh là “chân Madura”. Mycetoma hay gặp ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Actinomycotic mycetoma phổ biến ở Trung và Nam Mỹ, trong khi Eumycotic mycetoma phổ biến hơn ở châu Phi. Độ tuổi hay gặp từ 20 đến 50 tuổi. Bệnh là một nhiễm trùng u hạt của trung bì và hạ bì có thể lan rộng đến cơ hay xương. Mycetoma được phân biệt với nấm khác bởi đặc trưng lỗ dò dịch, hạt “ngũ cốc’ (hạt nấm, hạt lưu huỳnh – sclerotia, sulfur granules) và phù tại chỗ. Thể khác nhau cùng tồn tại: Actinomycotic mycetoma (gây ra bởi các vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí dạng sợi, ví dụ như Nocardia brasiliensis, Madurae Actinomadura) và Eumycotic mycetoma (do nấm thực sự).
2. CĂN SINH BỆNH HỌC
Trong hầu hết trường hợp, căn nguyên gây bệnh có thể là nấm hoặc vi khuẩn từ đất thông qua vết thương trực tiếp vào da, dẫn đến nhiễm trùng da và dưới da. Sau đó, xâm nhập sâu hơn có thể xảy ra, ví dụ cơ và xương. Quá trình này có thể xảy ra nhanh chóng hoặc trong nhiều năm. Đôi khi, nhiều vị trí xuất hiện trong vùng lân cận của tổn thương ban đầu, có thể do nhiều vết thương hơn là lây lan của bệnh. Thiếu giày dép bảo vệ, suy dinh dưỡng, và các vết cắt và trầy xước là các yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh. Bệnh không lây từ người sang người và từ động vật sang người. Đặc trưng của bệnh là lỗ dò kèm với các hạt “ngũ cốc”.
Bảng màu hạt “ngũ cốt” của Mycetoma trong Eumycotic và Actinomycotic
Nguyên nhân | Màu hạt | |
Eumycotic | Madurella mycetomatis | Đen |
Madurella grisea | Đen | |
Leptosphaeria senegalensis | Đen | |
Pseudallescheria boydii | Trắng | |
Acremonium spp. | Trắng | |
Dermatophytes | Trắng | |
Actinomycotic | Nocardia brasiliensis | Trắng |
Nocardia asteroides | Trắng | |
Nocadia caviae | Trắng-vàng | |
Actinomyces Israelii | Trắng-vàng | |
Actinomadura madurae | Hồng hoặc trắng | |
Actinomadura pelletieri | Đỏ | |
Streptomyces somaliensis | Nâu hoặc vàng |
3. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
Thời gian ủ bệnh: thời gian ủ bệnh không được biết rõ vì người bệnh thường không nhớ chính xác thời gian của vết thương ban đầu. Trên thực nghiệm động vật, thời gian ủ bệnh được xác định khoảng 3 tuần.
Bàn chân là vị trí hay gặp nhất của nhiễm trùng, tiếp theo là bàn tay, đầu gối, cẳng tay, chân, đầu, cổ, vùng đáy chậu, hiếm gặp hơn là ngực, bụng, vùng hàm dưới, tinh hoàn, quanh mũi và mắt. Tổn thương điển hình là một bên và khởi đầu như là sẩn không đau. Khi các mô dưới da bị tổn thương, mô mềm xung quanh sưng, phù nề. Tổn thương có thể lan sâu xuống cơ và xương. Khởi đầu bề mặt tổn thương bóng, căng có những vùng tăng hoặc giảm sắc tố. Một số bệnh nhân có hiện tượng tăng tiết mồ hôi trên bề mặt. Tổn thương to dần điển hình là khối u với ba đặc điểm sau:
- Lỗ rò: thường là nhiều lỗ rò, các đường rò có thể tạm thời đóng lại sau đợt cấp tính của bệnh. Lỗ rò mới có thể hình thành và lỗ rò cũ có thể lành sẹo. Các lỗ rò liên kết với nhau và với ố áp xe bên dưới. Dịch tiết là dịch tiết trong, dịch máu, hoặc dịch mủ.
- Hạt “ngũ cốc”: hạt đặc trưng có trong dịch tiết từ lỗ rò. Các hạt “ngũ cốc” là đặc trưng cho khuẩn lạc của vi khuẩn hay nấm và màu sắc khác nhau (đen, trắng, vàng hoặc nâu) và kích thước (từ vài mm đến gần một cm đường kính).
- Không đau: khi tổn thương là sẩn nhỏ hoặc khối u lớn, bệnh nhân thường không cảm giác đau. Chính vì vậy, người bệnh thường được phát hiện muộn.
Ở Eumycetoma, bệnh thường tiến triển từ từ và chậm, trong khi đó ở Actinomycetoma bệnh tiến triển nhanh và lan rộng hơn. Trong quá trình tiến triển sớm của bệnh, dây chằng và thần kinh thường ít bị tổn thương.
(Tài liệu được biên soạn bởi PGS. TS Lê Hữu Doanh của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội)