duitnow casino

Bài 66: Viêm da do Demodex

VIÊM DA DO DEMODEX

( Demodicidosis)

1. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ

Năm 1840, Jakob Henle lần đầu tiên đã mô tả sơ qua về D. folliculorum. Năm 1842, Gusta Simon lần đầu tiên mô tả đầy đủ về D. folliculorum dưới tên Acarusfolliculorum và sắp xếp chúng vào nhóm ngoại ký sinh. Năm 1963, Akbulatova (người Nga) đã phân lập được D. brevis. Năm 1932, Ayres và Anderson quan sát trên mô bệnh học một số lượng lớn D. folliculorum ở thương tổn da dạng vảy phấn. Tác giả điều trị bệnh bằng thuốc diệt ký sinh trùng thì dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm đều âm tính. Đây là một bước tiến lớn trong việc phát hiện và điều trị bệnh viêm da do Demodex. Năm 1961, Ayres nghiên cứu độ tập trung và mối liên quan đến vai trò gây bệnh của Demodex. Năm 1964, Mihan và Ayres đã mô tả hình ảnh lâm sàng của bệnh viêm da do Demodex.

2. CĂN NGUYÊN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

2.1. Tác nhân gây bệnh

Viêm da do Demodex là bệnh gây nên bởi một loại côn trùng chân khớp ký sinh với số lượng lớn ở nang lông, tuyến bã, vảy da ở người và súc vật.

Demodex thuộc họ ve mạt, có kích thước nhỏ nhất trong nhóm ký sinh trùng ngành chân khớp ( Arthropoda) lớp nhện ( Arachinida), bộ ve ( Acarina), họ demodicidae, giống Demodex.

Có khoảng 65 loài Demodex nhưng thường có hai loại ký sinh trên người là D. folliculorum và D. brevis.

  1. folliculorum có chiều dài 0,3 – 0,4 mm, thường ký sinh ở nang lông.
  2. brevis chiều dài 0,15 – 0,2 mm, ký sinh ở ống tuyến bã nối cổ nang lông. Hai loại có cấu trúc tương tự nhau, cơ thể chia làm 3 phần: đầu, ngực và đuôi.

–    Đầu có 1 mỏ nhọn và 1 đôi râu đối xứng ở 2 bên.

–    Ngực có 4 cặp chân đối xứng nhau.

–    Đuôi có độ dài khác nhau: D. brevis đuôi ngắn, D. folliculorum dài hơn.

Tại vùng phễu của nang lông, D. folliculorum tập trung khoảng từ 1 – 25 con trong một nang lông. Còn D. brevis thường đứng đơn độc trong ống bài xuất chất bã, nằm song song với sợi lông đầu cắm vào phía trong, phần đuôi thò lên bề mặt da ở vị trí của sợi lông.

Ngoài ra, một số loài Demodex ký sinh trên súc vật chủ yếu trên mèo, Demodex equi ký sinh trên ngựa, Demodex bovis ký sinh trên động vật nuôi như trâu, bò, ngựa, Demodex ovis ký sinh ở lợn và cừu. Tuy nhiên, chúng không lây lan và gây bệnh cho người.

Xem thêm:  Bài 84: Bệnh xơ cứng bì hệ thống

2.2. Cơ chế xâm nhập và gây viêm da do Demodex

Khi xâm nhập vào da người, Demodex ký sinh ở nang lông, tuyến bã. Chúng dùng mỏ sắc nhọn chọc thủng tế bào biểu bì và tiết ra men lipase thủy phân chất bã làm nguồn thức ăn. Khi lượng Demodex tập trung nhiều làm nang lông giãn rộng, hình thành nút sừng gây tắc nghẽn nang lông và giảm bài tiết chất bã ra ngoài khiễn da trở nên khô ráp và bong vảy.

Vòng đời của Demodex: sau khi thụ tinh trên bề mặt da, Demodex chui sâu vào nang lông và tuyến bã. Chúng đẻ trứng ở đó, kéo theo sự xâm nhập của vi khuẩn và vi nấm. Chu kì sống của Demodex xấp sỉ 2 tuần. Con trưởng thành sống 5 – 6 ngày trong nang lông, có thể di chuyển trên da đặc biệt về ban đêm vì chúng ưa hoạt động trong bóng tối và môi trường nóng ẩm.

Chu kì sống qua 5 giai đoạn: trứng – ấu trùng – tiền nhông – nhộng – trưởng thành. Demodex trưởng thành phá hủy da bằng cách bài tiết chất cặn bã, đẻ trứng và chết. Sau khi chết xác của chúng hóa lỏng lắng đọng trong da.

Cơ thể vật chủ chống lại sự xâm nhập Demodex và các sản phẩm bài tiết của chúng thông qua phản ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào của vật chủ đối với Demodex.

Người nhiễm Demodex thường có cảm giác ngứa, rát và kích thích là do quá trình sinh trưởng và di chuyển của ký sinh trùng. Đôi khi có phản ứng u hạt với chất kitin có trong xương của Demodex.

Vị trí gây bệnh chủ yếu vùng da mặt, vì đó là nơi tập trung nhiều nang lông tuyến bã nhất, gấp 4 – 5 lần vùng da khác. Đồng thời, vùng mặt thường xuyên có va chạm, cọ xát với môi trường nên là điều kiện thuận lợi cho Demodex xâm nhập, phát triển và gây bệnh.

Trên một bệnh nhân có thể chỉ nhiễm chủng D. folliculorum hoặc D. brevis đơn thuần, nhưng cũng có thể đồng nhiễm 2 chủng D. folliculorum và D. brevis.

2.3. Lây truyền

Viêm da do Demodex có thể lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp như: hôn, cọ má, sử dụng chung khăn…

Trẻ mới sinh và mới lớn ít khi có Demodex do lượng acid béo trên da thấp mặc dù trẻ có thể nhiễm Demodex do tiếp xúc. Nhưng ở lứa tuổi trên 50 có khoảng 30%, người 80 tuổi khoảng 50%, người 90 tuổi hay già hơn thì gần như 100% nhiễm Demodex.

Xem thêm:  Bài 119: Bệnh u xơ thần kinh

Demodex cũng thường không có mặt trên bệnh nhân bị trứng cá vị thành niên. Có lẽ là do thành phần acid béo tự do không thích hợp cho sự hấp thu của Demodex ở nhóm này.

Tuy nhiên không phải người nào nhiễm Demodex cũng có biểu hiện lâm sàng. Chỉ khi sức đề kháng của cơ thể vật chủ suy giảm, số lượng Demodex tập trung nhiều và thời gain ký sinh của Demodex từ vào tháng đến vài năm mới có biểu hiện bệnh. Nhiều khi Demodex có thể sống và sinh sản lặng lẽ mà không có biểu hiện lâm sàng.

3. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Demodex có thể ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Nơi nào có mật độ tập trung nang lông tuyến bã nhờn nhiều thì tỷ lệ nhiễm Demodex cao. Tuy nhiên vị trí hay gặp nhất là ở mặt ( mi mắt, má, mũi, trán, thái dương, xung quanh miệng, rãnh mũi má, ống tai ngoài). D. folliculorum thường khu trú ở mặt còn D. brevis thường khu trú ở cổ và ngực.

Ngoài ra, Demodex cũng có thể tìm thấy trên da đầu, trên ngực, lưng và đầu vú, thậm chí còn thấy ở qui đầu, mu sinh dục, mông.

Tùy theo số lượng Demodex, giai đoạn bệnh, sức đề kháng của từng cá thể mà lâm sàng có biểu hiện khác nhau.

Bệnh nhân viêm da do Demodex thường đi khám với các triệu chứng không đặc hiệu như ngứa mặt, đỏ da, vảy da, mụn mủ ở nang lông, sẩn đỏ mụn mủ ở da đầu kèm theo rụng tóc từng đám. Cũng có thể là viêm da quanh miệng, viêm bờ mi, viêm da đầu hoặc giống trứng cá. Nhìn chung, bệnh được phân thành 3 nhóm chính:

  • Viêm nang lông vẩy phấn ( Pityriasis folliculitis, Pityriasisfolliculorum)
  • Trứng cá đỏ giống dạng Demodex ( Rosacea like demodicidosis)
  • Dạng trứng cá đỏ thể u hạt ( Granulomatous rosacea ) hay còn gọi ( Demodicidosis gravis).

3.1. Viêm nang lông vẩy phấn  ( Pityriasis folliculitis )

Là hình thái nhẹ nhất của viêm da Demodex.Bệnh thường gặp ở phụ nữ có tiền sử rửa mặt không thường xuyên bằng xà phòng và sử dụng nhiều mỹ phẩm.

Thương tổn là đám da hơi đỏ, trên bề mặt có những vảy da, nút sừng nhỏ ở nang lông làm cho da mặt trở nên lấm tấm như giấy ráp. Cảm giác chủ quan thường thấy là ngứa, rát, đặc biệt kiến bò ở vùng mặt.

Mô bệnh học: có xâm nhiễm tế bào lympho dày đặc xung quanh mạch máu ở vùng trung bì, không có sự hình thành u hạt.

3.2. Viêm da do Demodex giống dạng trứng cá đỏ ( Rosacea like demodicidosis)

Xem thêm:  Bài 52: Viêm cân cơ hoại tử

Bệnh nhân có các biểu hiện như đỏ da, vẩy da, sẩn đỏ mụn mủ giống như trứng cá thông thường nhưng có những đặc điểm riêng.

  • Bắt đầu đột ngột, tiến triển nhanh.
  • Có triệu chứng ngứa, rát, cảm giác kiến bò trong bóng tối.
  • Đỏ da dai dẳng, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Vảy da ở nang lông.
  • Tổn thương là những sẩn mụn nước ( papulovesicle), mụn nước mụn mủ ( vesicopustules), đặc biệt không có nhân (noncomedon).
  • Thương tổn không đối xứng, không có biểu hiện giãn mạch, thường phối hợp với viêm bờ mi ( demodectic blepharitis).
  • Tiền sử thường dùng thuốc bôi chứa steroid.
  • Thường gặp trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

–    MBH: thấy bạch cầu đơn nhân thâm nhiễm viêm xung quanh nang lông, đôi khi hình thành u hạt, thâm nhiễm chủ yếu là lympho T CD4+. Tỷ lệ T CD8+ thấy dưới 5 %. Xâm nhập viêm xung quanh nang lông là đại thực bào.

3.3. Viêm da do Demodex dạng trứng cá đỏ thể u hạt ( Demodicidosis gravis).

Thường phối hợp với hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ( có hoặc không có HIV). Bệnh nhân có sẩn đỏ, mụn mủ, áp xe sâu và ở một bên mặt, tồn tại dai dẳng không đáp ứng với điều trị thông thường.

MBH: thấy tổ chức u hạt bao gồm tế bào khổng lồ chứa dấu vết của hiện tượng thực bào Demodex, có hoại tử ở trung tâm.

Ngoài ra, viêm da do Demodex có thể kèm theo rụng tóc và viêm bờ mi ( blepharitis). Bệnh nhân thấy rụng tóc từng mảng, trên bề mặt đám rụng tóc có sẩn đỏ, mụn mủ. Sự xâm nhập vào tuyến bã nang lông của Demodex gây đáp ứng miễn dịch và phản ứng viêm xung qunh tổ chức, lâu ngày Demodex phá hủy hành tóc làm đẩy nhanh chu kỳ của tóc từ giai đoạn phát triển sang giai đoạn thoái triển dẫn đến mỏng tóc và rụng tóc.

Ở hình thái phối hợp với viêm bờ mi, có thể ngứa bờ mi, rụng lông mi, mí mắt dày lên, nhiều vảy da xung quanh lông mi. Thường viêm bờ mi do demodex hay kết hợp với bệnh da ở xung quanh mí mắt như viêm da đầu.

4. CẬN LÂM SÀNG

Có nhiều phương pháp xét nghiệm tìm Demodex như:

  • Tìm Demodex ở vảy da soi trong KOH 20%.
  • Tìm Demodex bằng cách nặn chất bã, soi trong dầu thực vật.
  • Sinh thiết bề mặt da tiêu chuẩn.
  • Sinh thiết toàn bộ bề mặt da v.v…

(Tài liệu được biên soạn bởi ThS. BS. Trần Cẩm Vân của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội).