duitnow casino

Bài 78: Viêm da tiếp xúc

VIÊM DA TIẾP XÚC

(Contact dermatitis)

1. ĐẠI CƯƠNG

–   Viêm da tiếp xúc ( VDTX) là phản ứng viêm da do tương tác giữa da và tác nhân bên ngoài, xảy ra qua một trong hai cơ chế:

+   Không miễn dịch – viêm da tiếp xúc kích ứng ( VDTXKU): chiếm 80%, gây tổn thương hầu hết với những ai tiếp xúc với chất đó.

+   Miễn dịch – viêm da tiếp xúc dị ứng ( VDTXDU): chiếm 20%, do quá mẫn chậm với các chất khác nhau, chỉ xảy ra ở những người có tiếp xúc với dị nguyên đã mẫn cảm trước đó.

–   Các yếu tố ảnh hường đến đáp ứng của da: nồng độ chất tiếp xúc, cách thức, thời gian, vùng tiếp xúc, tuổi bệnh nhân, bệnh kè theo, yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, tăng tiết mồ hôi.

–   Dịch tễ học: khác với VDTXDƯ, VDTXKƯ xảy ra không phụ thuộc vào việc có tiếp xúc với tác nhân trước đó. VDTXKƯ chiếm 80% trong các trường hợp viêm da tiếp xúc, gây tổn thương hầu hết với những ai tiếp xúc với chất đó. Viêm da tiếp xúc kích ứng thường có liên quan đến nghề nghiệp. Viêm da tiếp xúc kích ứng do các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm cũng thường gặp, tuy nhiên, rất ít trong số những bệnh nhân bị các phản ứng kích ứng loại này đi khám vì họ có thể tự điều trị bằng cách không sử dụng các loại sản phẩm đó nữa.

Tỷ lệ mắc viêm da tiếp xúc kích ứng rất khó xác định do thiếu các số liệu chính xác về dịch tễ học của bệnh. Nghiên cứu cộng đồng ở châu Âu về eczema do tất cả các loại nguyên nhân cho thấy tỷ lệ viêm da tiếp xúc kích ứng từ 0,7 – 40%. Nghiên cứu tại Mỹ ở đối tượng lao động cho thấy VDTX chiếm 90 – 95% bệnh da nghề nghiệp, và viêm da tiếp xúc kích ứng chiếm 80% VDTX do nghề nghiệp.

2. CƠ CHẾ BỆNH SINH

2.1. Viêm da tiếp xúc kích ứng

Viêm da tiếp xúc kích ứng là biểu hiện của phản ứng trên da đối với các tác nhân bên ngoài như hóa học, lý học và sinh học. Yếu tố nội sinh đóng vai trò quan trọng như chức năng hàng rào bảo vệ của da và các bệnh lý viêm da trước đó. Viêm da cơ địa là yếu tố nguy cơ rất lớn đối với viêm da tiếp xúc kích ứng ở bàn tay do suy giảm chức năng hàng rào bảo vệ của da, đồng thời, ngưỡng kích ứng của da cũng thấp. Biểu hiện của viêm da tiếp xúc kích ứng khá đa dạng, Điều trị chủ yếu của viêm da tiếp xúc kích ứng đó là xác định và tránh các yếu tố kích thích.

Có 4 cơ chế có liên quan đến viêm da tiếp xúc kích ứng, gồm mất lớp lipid bề mặt và các chất giữ nước, màng tế bào bị phá hủy, sự biến tính của keratin thượng bì, và tác động độc tế bào trực tiếp.

Xem thêm:  Bài 124: Porokeratosis

Các hoạt chất đáp ứng viêm da tiếp xúc kích ứng là các chất tiền viêm, đặc biệt là các cytokine từ các tế bào không miễn dịch ( keratinocytes) đáp ứng với kích thích hóa học. Quá trình này không cần có sự mẫn cảm trước đó.

Có trên 2800 chất kích ứng. Tiếp xúc với các chất kích ứng mạnh gây triệu chứng lâm sàng ở hầu hết bệnh nhân, chất kích ứng nhẹ thì chỉ có biểu hiện cơ năng. Khi tiếp xúc nhiều lần với chát kích ứng gây ra hiện tượng tích lũy, phá hủy dần lớp sừng do phá hủy enzim hoặc làm tan màng tế bào gây viêm mạn tính.

Khi tiếp xúc nhiều laagn với chất kích ứng nhẹ hơn sẽ tạo ra hiệu ứng “ trơ”, có nghĩa là da bền vững hơn với chất kích ứng.

Các yếu tố ảnh hưởng:

–  Yếu tố bên ngoài: loại chất tiếp xúc ( độ pH, hoạt tính của hóa chất), sự xuyên sâu của chất kích ứng vào trong da, nhiệt độ cơ thể , các yếu tố cơ học ( áp lực, cọ xát, trầy xước ), yếu tố môi trường ( nhiệt độ, độ ẩm), nồng độ chất tiếp xúc, cách thức ( trực tiếp hay dạng hơi), thời gian tiếp xúc,…

–   Yếu tố bên trong: sự nhạy cảm của từng cá thể, tuổi, giới ( phần lớn viêm da tiếp xúc kích ứng ở bàn tay xảy ra ở phụ nữ do tiếp xúc với các chất kích ứng và nước), khả năng thẩm thấu của da, vùng da tiếp xúc, sự mẫn cảm với tia cực tím,…

2.2. Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng là biểu hiện của phản ứng quá mẫn chậm qua trung gian tế bào ( typ IV). Lúc đầu kháng nguyên là hapten có trọng lượng phân tử thấp, 500 – 1000 daltons tiếp xúc trên da kết hợp với protein tạo phức hợp protein – hapten là kháng nguyên hoàn toàn, tác động đến hệ miễn dịch. Quá trình mẫn cảm này xảy ra trong 5 – 21 ngày. Khi có tái tiếp xúc với kháng nguyên đặc hiệu sẽ gây tăng sinh rất nhanh các tế bào T đã hoạt hóa, giải phóng chất trung gian hóa học, di chuyển các tế bào T độc gây ra phản ứng chàm trên da vùng tiếp xúc. Giai doạn này xảy ra 48 -72 giờ sau khi tiếp xúc và chỉ cần một liều nhỏ dị nguyên đã đủ kích thích phản ứng viêm.

Có trên 3700 dị nguyên được cho là có thể gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng ở người.

3. LÂM SÀNG

3.1. Viêm da tiếp xúc kích ứng ( Irritant contact dermatitis)

Biểu hiện lâm sàng của viêm da tiếp xúc kích ứng tương đối đa dạng,có thể sắp xếp thành 3 thể chính như sau :

3.1.1. Phản ứng kích ứng ( irritatant reaction)

–   Là biểu hiện nhẹ gồm đỏ da nhẹ, bong vảy, mụn nước hoặc vết trợt và thường xảy ra ở mặt mu bàn tay và ngón tay.

Xem thêm:  Bài 88: Dị dạng mạch máu

–    Hay xảy ra khi làm các công việc có tiếp xúc với nước.

–   Có thể tự khỏi hoặc tiến triển thành viêm da tiếp xúc kích ứng tích lũy.

3.1.2. Viêm da tiếp xúc kích ứng cấp tính ( acute irritant contact dermatitis)

–   Xảy ra do tiếp xúc với hóa chất mạnh như acid và kiềm.

–   Biểu hiện nhẹ : cảm giác châm chích, rát bỏng, da khô căng hoặc mày đay thoáng qua.

–   Biểu hiện nặng : đỏ, phù nề, đau, mụn nước, bọng nước, mụn mủ, lột da, hoại tử.

–   Giới hạn rất rõ với da lành, khu trú ở vùng tiếp xúc.

–   Xuất hiện nhanh trong vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với chất kích ứng.

–   Đa số các trường hợp xuất hiện triệu chứng trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với chất kích ứng.

–   Có thể có trường hợp xuất hiện muộn sau khi tiếp xúc với chất kích ứng 8 – 24 giờ hoặc thậm chí 2 tuần. Biểu hiện lâm sàng giống viêm da tiếp xúc dị ứng và đôi khi rất khó phân biệt, nhưng tiên lượng tốt hơn VDTXDƯ. Các chất tiếp xúc thuộc nhóm này gồm : Acrylates, Anthralin, benzoyl, Calcipotriol, Diclofenac, Podophyllin, Propylene glycol, Tretinoin, Sodium lauryl sulfate,…

–   Thương tổn lành nhanh sau vài ngày hoặc vài tuần khi ngừng tiếp xúc với chất kích ứng.

3.1.3. Viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính ( cummulative irritant contact dermatitis)

–   Đây là một bệnh hay gặp

–   Xuất hiện khi tiếp xúc nhiều lần với chất có nồng độ thấp như xà phòng, dầu gội đầu,…

–   Các yếu tố thuận lợi : cọ xát, sang chấn, độ ẩm thấp,…

–   Xảy ra sau vài tuần, vài tháng có thể vài năm tiếp xúc với chất kích ứng.

Biểu hiện : da đỏ, bóc vảy, nứt nẻ, lichen hóa, giới hạn không rõ với da lành ngứa.

–   Viêm da bàn tay hay gặp ở nữ hơn do tiếp xúc với các chất kích ứng khi làm công việc nội trợ.

3.2. viêm da tiếp xúc dị ứng ( allergic contact dermatitis)

–   Xảy ra ở những người đã có tiếp xúc với dị nguyên trước đó, có thể vài tuần, vài tháng, vài năm, lúc đầu không gây ra triệu chứng, nhưng sau khi tiếp xúc nhiều lần gây viêm da.

–   Biểu hiện muộn hơn so với VDTXKƯ, thường sau khi tiếp xúc với dị nguyên 48 – 72 giờ.

+   Viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính : xuất hiện ngứa, đỏ, phù, mụn nước dạng chàm,lan tỏa vượt quá vùng tiếp xúc.

+   Viêm da tiếp xúc dị ứng mạn tính : ngứa, đỏ, trợt da, bong vảy, lchen hóa, giống viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính.

–   Tiếp xúc lâu dài hoặc lặp lại nhiều lần với dị nguyên có thể dẫn đến bệnh mạn tính, biểu hiện bằng các mảng da dày lichen hóa, dày sừng, bong vảy, nứt nẻ.

–   Bàn tay, bàn chân, mi mắt, mũi là những vị trí hay gặp trong viêm da tiếp xúc dị ứng.

Xem thêm:  Bài 50: Viêm quầng

4. CÁC TÁC NHÂN TIẾP XÚC

Nước đóng vai trò như một yếu tố độc tế bào trên da bị ăn mòn. NƯớc cứng được cho là gây kích ứng hơn nước mềm. Các chất kích ứng làm loại bỏ lớp Lipid trên da, giáng hóa protein, và phá hủy màng tế bào.

Các chất gây viêm da tiếp xúc kích ứng chủ yếu là chất kiềm, axit, chất tẩy rửa, chất bảo quản, khử mùi, xà phòng, chất tẩy rửa và các sản phẩm rửa không  cần nước là những sản phẩm hay gặp nhất gây viêm da tiếp xúc kích ứng. Ngoài ra, vỏ các loại trái cây họ chanh, tỏi, ớt, gừng, nước dứa,… có thể gây kích ứng.

+   Kiềm : có trong xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa, các chất cọ bếp, lò vi sóng, nhà vệ sinh,… xuyên thấm và phá hủy sâu do làm tan chất sừng. Viêm da bàn tay ở người nội trọ, công nhân nhà máy xà phòng hay do kiềm gây ra.

+   Acid sulfuric, acid nitic, acid oxalic, acid chloric… gây viêm da tiếp xúc kích ứng nghề nghiệp.

+   Các chất khác : bromine, chlorine, iodine, bụi kẽm, bụi vôi, bụi gỗ, bụi thuốc lá, potassium dichlomate trong da thuộc, xi măng…

+   Các dung môi hào tan chất dầu, dầu bôi trơn, dầu cắt công nghiệp, dung môi bay hơi gây viêm da tiếp xúc ở mũi, miệng.

+  Các chất khác có khả năng gây viêm da tiếp xúc kích ứng gồm : các thức ăn từ biển, thịt, sâu bướm, bọ cánh cứng, bướm đêm, thuốc bôi như tím gentian, các chế phẩm từ than đá, thuốc tím, thủy ngân, hexachlorophene, mỹ phẩm nhất là loại dùng cho mắt…

Các chất hay gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng gồm :

+   Hương liệu, chất bảo quản trong mỹ phẩm, p-phenylenediamine trong chất nhuộm tóc.

+   Formaldehyde trong nhựa dán.

+   Carbamix, thiramix, mercaptomix trong cao su…

+   Các sản phẩm từ than đá, thuôc bôi, hóa chất trừ sâu, nhựa cây, hoa, phấn hoa, quần áo…

+   Các kim loại như : đồng, thủy ngân, nickel, bạc, kẽm…

5. PHÒNG BỆNH

–   Loại bỏ các chất kích ứng hoặc dị nguyên tiếp xúc đã biết.

–   Xác định cơ địa nhạy cảm bằng cách đo độ đỏ của da,độ mất nước qua da hoặc dùng test áp để sàng lọc sự kích ứng của sản phẩm định dùng, đồng thời thăm dò phản ứng dị ứng của cơ thể.

–   Dùng kem bảo vệ thích hợp, tránh tắm rửa quá mức.

–   Hạn chế dùng xà phòng, chất tẩy rửa.

–   Thường xuyên bôi kem làm ẩm nhất là sau khi làm việc để chống nứt, khô da, tránh sự xâm nhập của các chất kích ứng.

–   Dùng găng thích hợp khi làm việc trong môi trường có chất kích ứng hoặc dị nguyên nghi ngờ. Nên dùng các loại găng để không cho hóa chất hay dung môi xuyên thấm vào da.

–   Tư vấn nghề nghiệp thích hợp.

(Tài liệu được biên soạn bởi PGS. TS. Phạm Thị Lan của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội).