duitnow casino

Bài 125: Bệnh nhiễm sắc tố dầm dề

BỆNH NHIỄM SẮC TỐ DẦM DỀ

(Incontinentia pigmenti – IP)

1. ĐẠI CƯƠNG

Nhiễm sắc tố dầm dề (Incontinentia pigmenti – IP) cũng được biết dưới tên hội chứng Bloch – Sulzberger, là một hội chứng di truyền, hiếm gặp có tổn thương nhiều cơ quan bao gồm: da, thần kinh, mắt, răng.

Nhiễm sắc tố dầm dề được Garrod mô tả lần đầu tiên vào năm 1906 như là một tăng sắc tố đơn thuần ở trẻ sơ sinh. Sau đó, Bloch và Sulzberger lần lượt mô tả bệnh này vào năm 1926 và 1928, xem nhiễm sắc tố dầm dề là một hội chứng với nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, nhưng da là biểu hiện chủ yếu của bệnh.

2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

Bệnh do di truyền gen trội liên kết nhiễm sắc thể giới tính X, liên quan đến locus Xp28. Hầu hết các bệnh các bệnh nhân IP đều là nữ (các trường hợp nam được cho là pđã chết từ khi còn là bào thai). Gen Xp28 mã hóa cho yếu tố hạt nhân B điều biết cần thiết (nuclear factor B essential modulator – NEMO) bao gồm 10 exon. Hơn 80% trường hợp IP là do mất exon 4-10. Các đột biến liên quan đến alen khác sẽ gây ra khác kiểu hình khác nhau của IP. Ví dụ như loạn sản ngoại bì không có tuyến mồ hôi kèm theo suy giảm miễn dịch (anhidrotic ectodermal dysplasia with imunodeficiency).

3. LÂM SÀNG

Bệnh không thường gặp, biểu hiện lâm sàng chủ yếu ở nữ giới, có thể gặp ở bất kì chủng tộc nào.

3.1. Biểu hiện ngoài da

Thương tổn da thường xuất hiện ngay sau khi sinh, hiếm khi sau tháng thử 2. Đôi khi bệnh không có biểu hiện ngoài da, chỉ có các biểu hiện nội tạng (đặc biệt ở phụ nữ quan hệ họ hàng bậc 1 với bệnh nhân), khi đó cũng không loại trừ chẩn đoán.

Xem thêm:  Bài 81: Lichen chấm

Tiến triển của bệnh qua 4 giai đoạn, nhưng có thể thiếu 1 hoặc 2 giai đoạn. Ở một thời điểm, có thể biểu hiện lâm sàng của nhiều giai đoạn khác nhau hoặc có thể có 1 giai đoạn đỏ da trước giai đoạn 1 (Erythema toixicum neonatorum) nhưng rất hiếm gặp.

Giai đoạn 1: Mụn nước, bọng nước

Tổn thương là các dát đỏ, mảng đỏ, sau đó xuất hiện mụn nước, mụn mủ, bọng nước căng, chứa dịch trong. Vị trí tổn thương có thể xuất hiện toàn thân nhưng thường gặp nhất ở cánh tay, đùi, thân mình dọc theo đường Blaschko, ít gặp ở mặt. Tổn thương mọc thành các đợt. Mỗi đợt bọng nước tồn tại vài tuần, sau đó mất đi. Các đợt sau có thể mọc ở vị trí cũ hay ở vị trí khác. Giai đoạn này thường kết thúc trước 6 tháng tuổi, nhưng các tổn thương có thể tái xuất hiện sau này khi trẻ bị sốt.

Giai đoạn 2: Dày sừng và sùi

Giai đoạn này thường gặp ở 1/3 số bệnh nhân. Tổn thương tồn tại ngắn hơn và mức độ nhẹ hơn so với giai đoạn 1. Những đám sùi chủ yếu ở các đầu chi, đặc biệt là các ngón, mu bàn tay, bàn chân, mắt cá. Tổn thương thường xếp thành dải. Tổn thương sùi có thể tiên phát mà không mọc ở vị trí bọng nước trước đó. Giai đoạn này thường xuất hiện trong 2 tháng đầu và kết thúc trước 3 tuổi.

Giai đoạn 3: Tăng sắc tố

Mức độ nhiễm sắc tố rất thay đổi từ những dải sắc tố kín đáo ở háng đến những tổn thương nhiễm sắc tố lan rộng. Màu sắc thường là màu xám hoặc màu nâu, tổn thương điển hình theo kiểu “ném bùn”. Có thể xuất hiện ngay từ đầu hoặc xuất hiện sau khi tình trạng viêm giảm. Các tổn thương viêm có thể xuất hiện trên vùng da đã có nhiễm sắc tố. Nhiễm sắc tố thường xuất hiện trong vòng 6 tháng đầu. Sắc tố nhạt màu dần khi bệnh nhân lớn.

Xem thêm:  Bài 43: Bệnh da do nấm Chromoblastomycosis

Giai đoạn 4: Teo da, giảm sắc tố

Gặp ở phụ nữ trưởng thành. Tổn thương là các dải teo da, giảm sắc tố dọc theo mặt sau đùi, cẳng chân, hoặc ở vai, cánh tay; hiếm khi thấy ở thân mình. Vùng tổn thương có rụng lông, giảm tiết mồ hôi.

3.2. Biểu hiện ở móng

Loạn dưỡng móng gặp ở 40% số bệnh nhân. Bệnh hiện lâm sàng da dạng từ những gợn nhẹ ở móng đến những loạn dưỡng móng nặng giống nấm móng.

Hình ảnh mô bệnh học tổn thương móng có dày sừng, dày lớp gai, dị sừng thành ổ, nhú bì kéo dài.

3.3. Biểu hiện ở tóc

Khoảng 25% bệnh nhân có rụng tóc, thường ở vùng đỉnh. Có thể tóc cứng, xỉn màu.

3.4. Biểu hiện ở răng

Khoảng 80% số bệnh nhân có biểu hiện răng, bao gồm: chậm mọc răng, thiếu răng, răng hình tam giác, răng sữa tồn tại đến tuổi trưởng thành…

3.5. Biểu hiện ở mắt

Biểu hiện ở 40% số bệnh nhân. Các biểu hiện ở mắt bao gồm: lác mắt, đục thủy tinh thể, nhãn cầu nhỏ, teo dây thần kinh thị giác, bệnh lý mạch máu võng mạc, bong võng mạc, có thể gây mù…

3.6. Biểu hiện ở hệ thần kinh trung ương

Khoảng 1/4 số trường hợp có biểu hiện thần kinh trung ương, bao gồm: chậm phát triển vận động, chậm phát triển trí tuệ, liệt cứng 2 chi hay tứ chi, não bé, động kinh…

4. CẬN LÂM SÀNG

– Công thức máu: có thể thấy tăng số lượng bạch cầu và bạch cầu đa nhân ái toan.

– Chụp CT đầu và MRI sọ não có thể thấy hiện tượng phù não, bất thường cấu trúc não.

Xem thêm:  Bài 106: Biểu hiện tổn thương móng bẩm sinh

– Điện não đồ: cần thiết để phát hiện các thương tổn thần kinh trung ương khu trú và những bệnh nhân có cơn động kinh.

– Mô bệnh học: các giai đoạn tổn thương khác nhau cho hình ảnh mô bệnh học khác nhau:

Giai đoạn 1

Thượng bì: phù lớp gai, mụn nước dưới lớp sừng, trong mụn nước chứa nhiều bạch cầu ái toan; thâm nhiễm viêm ở thượng bì, chủ yếu là bạch cầu ái toan.

Trung bì: thâm nhiễm bạch cầu quanh huyết quản, chủ yếu là bạch cầu ái toan. Trong giai đoạn này, tỉ lệ bạch cầu ái toan trong máu tăng, có thể tới 50%.

Giai đoạn 2

Thượng bì: dày sừng, dày lớp gai với nhiều các tế bào dị sừng, thoái hóa dạng hốc các tế bào đáy, giảm melanin ở lớp đáy.

Trung bì: thâm nhiễm bạch cầu đa nhân ái toan ở cả thượng bì và trung bì, có đại thực bào chứa đầy melanin ở trung bì nông.

Giai đoạn 3

Thượng bì: bình thường hay lớp gai hơi dày, giảm hay mất sắc tố ở lớp tế bào đáy.

Trung bì: rất nhiều đại thực bào chứa melanin ở trung bì nông, có thể nhìn thấy thể Colloid ở nhú trung bì.

Mô bệnh học giai đoạn này có thể gợi ý chẩn đoán IP nhưng không đặc hiệu.

Giai đoạn 4

Thượng bì: teo lớp gai, các nhú bì mất hình dạng bình thường, giảm số lượng tế bào sắc tố, thoái hóa lớp đáy. Có thể mất cấu trúc của tuyến ngoại tiết và nang lông.

Trung bì: giảm hay mất nang lông – tuyến bã, tuyến mồ hôi.

Mô bệnh học giai đoạn 4 không đặc hiệu. Tuy nhiên, nó giúp ích trong việc xác định chẩn đoán ở những bệnh nhân nữ lớn tuổi có tiền sử xuất hiện tổn thương da tương tự.

(Tài liệu được biên soạn bởi BS. Hoàng Thị Phượng)