duitnow casino

Bài 15: Vảy phấn hồng

BỆNH VẢY PHẤN HỒNG

(Pityriasis Rosea – PR)

  1. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh phấn hồng được Gilbert mô tả đầu tiên năm 1860 nên còn được gọi là “bệnh vảy phấn hồng Gilbert”. Thương tổn có hai đặc điểm chính là đỏ và bong vảy. Bệnh da thường gặp, thấy ở khắp nơi trên thế giới, có tính chất cấp tính nhưng tự khỏi. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em và người lớn trẻ (từ 10-35 tuổi), hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và người trên 65 tuổi, nữ nhiều hơn nam, mùa đông gặp nhiều hơn các mùa khác trong năm, hiếm thấy tái phát. Tỷ lệ người bị bệnh chiếm khoảng 0,16% dân.

  1. LÂM SÀNG

2.1. Triệu chứng

Theo kinh điển, bệnh vảy phấn hồng thường khởi phát là một thương tổn đơn độc ở thân mình, sau vài ngày đến vài tuần xuất hiện nhiều thương tổn nhỏ. Ngứa mức độ khác nhau: nặng chiếm 25%, trung bình chiếm 50% và không ngứa chiếm 25% trường hợp. Một số trường hợp có biểu hiện giống cúm: mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, chán ăn, sốt và đau khớp.

Thương tổn da: đặc trưng bởi một mảng thương tổn tiên phát, xuất hiện riêng lẻ gọi là thương tổn “mẹ”, kích thước đường kính khoảng 2-4cm hoặc lớn hơn, gặp ở 50-90% trường hợp bệnh PR. Thương tổn này có màu thịt cá hồi, màu đỏ hoặc tăng sắc tố, hình tròn hay bầu dục, giới hạn rõ. Có vảy da mỏng ở phía trong bờ rìa thương tổn. Khi bị kích ứng, mảng thương tổn “mẹ” có thể thấy xuất hiện các sẩn mụn nước như chàm. Vị trí thường gặp ở thân mình, vùng được che phủ quần áo, đôi khi gặp ở cổ và gốc chi, hiếm gặp ở mặt và vùng sinh dục.

Xem thêm:  Bài 8: Bệnh bọng nước thành dải

Vị trí mảng tiên phát ở nam và nữ giới không khác nhau. Khoảng thời gian từ khi xuất hiện mảng thương tổn tiên phát đến khi xuất hiện các thương tổn thứ phát (thương tổn “con”) khác nhau từ 2 ngày đến 2 tháng. Những thương tổn thứ phát điển hình thường xảy ra trong vòng 2 tuần sau khi có thương tổn tiên phát. Thời gian các thương tổn thứ phát xuất hiện khoảng vài ngày, thường không quá 10 ngày. Đôi khi thấy thương tổn con tiếp tục xuất hiện sau vài tuần. Các thương tổn đều có xu hướng lành ở giữa, vảy da khô trắng mỏng viền xung quanh bờ.

Khi thương tổn phát triển đầy đủ sẽ có dấu hiệu đặc trưng về sự phân bố, có tính chất đối xứng, vị trí thường lan tỏa nhưng nhiều nhất ở vùng thân mình, không có ở vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đôi khi chỉ khu trú vào một số vùng nhất định như ở cổ, đùi, bẹn, nách. Tại vị trí này, các mảng thương tổn tập trung giao nhau, tạo thành bờ đa cung, giống như cây thông Noel. Dạng thứ hai là các sẩn nhỏ, màu đỏ, thường không có vảy, số lượng và kích thước tăng dần. Cả hai loại thương tổn có thể cùng tồn tại.

Khoảng 20% bệnh nhân có hình ảnh lâm sàng không điển hình như mô tả cổ điển, có thể không thấy thương tổn tiên phát hoặc có hai hay nhiều thương tổn. Một số trường hợp trẻ em có thể thấy thương tổn thứ phát ở mặt. Thể khu trú có thể thấy thương tổn ở một vị trí nào đó của cơ thể như ở da đầu, nách hay vùng bẹn sinh dục. Những hình thái thương tổn thứ phát không điển ình gây khó khăn cho việc chẩn đoán như không thấy vảy da, sẩn nang lông, thương tổn giống vảy nến, giống eczema hoặc thương tổn “con” có thể chỉ khu trú xung quanh thương tổn “mẹ” hoặc chỉ xuất hiện ở chi mà không có ở thân mình.

Xem thêm:  Bài 81: Lichen chấm

Thể xuất huyết: có các chấm xuất huyết, bầm máu dọc theo nếp lằn ở nách, thân mình, gốc chi.

Niêm mạc miệng, sinh dục đôi khi cũng có thương tổn, thường là các dát đỏ, bờ gờ cao, lành ở giữa hoặc giống như loét apthose, không đau nên thường bị bỏ qua, thoái triển cùng với thương tổn ở da.

Vị trí đảo ngược có thể thấy thương tổn như ở mặt, bụng dưới, phần xa của chi, thậm chí ở cả lòng bàn tay.

Bệnh thường khác nhau về cách khởi phát, tiến triển và biểu hiện lâm sàng, tự khỏi sau 3-8 tuần, một số trường hợp sớm hơn chỉ sau 1-2 tuần hoặc muộn hơn phải sau trên 2 tháng, hiếm khi thấy tái phát.

2.2. Những hình thái không điển hình

Hình thái theo vị trí: thương tổn tiên phát có thể không có hoặc xuất hiện ở những vị trí không điển hình như ở da đầu, mặt, lòng bàn tay, mu bàn chân, vùng sinh dục. Thương tổn thứ phát có thể rải rác toàn thân, lan tỏa hoặc khu trú ở vùng đầu cổ, bện đùi, quanh hố nách.

Hình thái theo loại hình thương tổn: mụn mủ, sẩn mày đay, dạng lichen, dạng sẩn nang lông, mụn nước.

Hình thái theo tiến triển: đôi khi PR chỉ có thương tổn tiên phát. Người ta cũng thấy có trường hợp thương tổn thứ phát xuất hiện đồng thời hoặc chỉ sau vài giờ hoặc xuất hiện rất lâu (vài tháng) sau khi xuất hiện thương tổn tiên phát.

Xem thêm:  Bài 60: Bệnh da do ấu trùng ruồi

Hình thái liên quan cơ địa: ở người châu Phi có hạch ngoài biên sưng to. Ở phụ nữ có thai, bệnh không ảnh hưởng đến thai nhi.

2.3. Tiến triển và tiên lượng

Hầu hết bệnh nhân bị bệnh PR khỏi hoàn toàn trong thời gian từ 4 đến 10 tuần. Sau khi khỏi bệnh thường không để lại dấu vết gì, đôi khi có thể để lại dát tăng hoặc giảm sắc tố nhẹ. Cũng như với các bệnh da khác, ở những người da sẫm màu bị PR, khi khỏi bệnh thường để lai dát tăng sắc tố.

(Tài liệu được biên soạn bởi PGS. TS. Lê Hữu Doanh của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội)