duitnow casino

Bài 10: Sẩn ngứa

SẨN NGỨA

(Prurigo)

  1. ĐẠI CƯƠNG

Biểu hiện sẩn ngứa là tổn thương nốt nhỏ hoặc sẩn kèm theo cảm giác ngứa. Sẩn ngứa là phản ứng viêm xuất tiết, xuất hiện ở lớp trung bì nông. Phản ứng có sự tăng thâm nhiễm của tế bào lympho và bạch cầu đa nhân trung tính.

  1. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

2.1. Biểu hiện lâm sàng

  • Sẩn phù dạng mày đay.
  • Sẩn đỏ hoặc mảng đỏ.
  • Mụn nước: xuất hiện trên sẩn phù, sẩn hoặc mảng đỏ, mụn nước có thể vỡ gây tiết dịch và đóng vẩy tiết.
  • Sẩn cục: tổn thương sẩn chắc, màu đỏ nâu hoặc xám. Kích thước từ 1-2cm.
  • Tổn thương rải rác chủ yếu vùng da hở.

2.2. Phân loại

  1. Theo mức độ
  • Cấp tính: tổn thương chủ yếu là sẩn phù và mày đay, trên tổn thương có mụn nước, vỡ gây tiết dịch. Thể cấp tính hay gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè. Nhiễm trùng thứ phát xuất hiện do trẻ gãi, chà xát. Nguyên nhân hay gặp do viêm da cơ địa, quá mẫn với các phản ứng côn trùng đốt hoặc với thức ăn (trứng, đậu tương, thịt lợn).
  • Bán cấp: sẩn nổi cap, trên có mụn nước hoặc vết trợt hoặc vảy tiết do chà xát kèm ngứa nhiều. Vị trí gặp ở mặt duỗi chi hoặc thân mình. Tiến triển của bệnh dai dẳng và có thể mạn tính. Nguyên nhân của thể bán cấp đôi khi khó phát hiện. Các bệnh lý có thể gặp là viêm da cơ địa, đái tháo đường, rối loạn chức năng gan, u lympho, bệnh bạch cầu, u lympho Hodgkin, các khối u nội tạng, gút, suy thận hoặc mang thai, stress tâm lý.
  • Mạn tính: có thể được chia thành 2 nhóm dưới
  • Sẩn ngứa mạn tính đa dạng: sẩn mạn tính xuất hiện quanh tổn thương ban đầu. Biểu hiện có xu hướng hình thành dạng lichen hóa, tạo thành mảng thâm nhiễm. Bệnh nhân ngứa nhiều, chà xát, gãi hình thành các vết trợt, xước trên bề mặt mảng lichen hóa. Vị trí hay gặp ở thân mình và chân ở người lớn tuổi. Thể hay tái phát và tiến triển dai dẳng.
  • Sẩn cục: sẩn cục lớn, phân bố riêng lẻ, rải rác. Bệnh nhân ngứa nhiều, chà xát, gãi hình thành các vết trợt, vảy tiết đen trên bề mặt sẩn. Bệnh xuất hiện ở trẻ nhỏ, hoặc phụ nữ lớn tuổi. Vị trí hay gặp ở chi. Tổn thương tiến triển dai dẳng, có thể kéo dài hàng năm.
  1. Theo thể lâm sàng
  • Sẩn ngứa do ánh sáng: tổn thương xuất hiện liên quan đến ánh nắng. Nặng lên vào mùa hè và nhẹ vào mùa đông. Sẩn ngứa do ánh sáng thường bắt đầu xuất hiện ở trẻ nhỏ, nhưng có phát triển ở trẻ lớn hơn.
  • Sẩn ngứa phụ nữ có thai: sẩn ngứa xuất hiện ở phụ nữ có thai vào tháng thứ 3 hoặc 4. Vị trí xuất hiện ở chi hoặc thân mình. Tổn thương giảm đi sau khi sinh. Bệnh có xu hướng xuất hiện trở lại với các lần mang thai sau.
  • Sẩn ngứa sắc tố: hay là sẩn ngứa Nagashima. Tổn thương là sẩn phù kèm theo ngứa rất nhiều. Tổn thương tái phát và lành để lại tăng sắc tố dạng mạng lưới. Vị trí hay gặp ở lưng, cổ, ngực ở phụ nữ trẻ. Nguyên nhân bệnh chưa rõ.
Xem thêm:  Bài 118: Dị sừng nang lông

(Tài liệu được biên soạn bởi PGS. TS. Lê Hữu Doanh của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội)