duitnow casino

Bài 24: Bệnh hạ cam

Danh mục

BỆNH HẠ CAM

(Chancroid)

  1. ĐẠI CƯƠNG

1.1. Lịch sử bệnh

Hạ cam là một bệnh cấp tính, lây truyền qua đường tình dục và có thời gian ủ bệnh ngắn 2-5 ngày. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là một vết loét đau nơi vi khuẩn xâm nhập-thường là sinh dục ngoài và gây viêm hạch bẹn mủ. Bệnh có từ thời thượng cổ. Năm 1852, Leon Bassereau đã phân biệt săng cứng của giang mai và săng mềm của hạ cam. Đến năm 1890, Ausgusto Ducrey đã lấy mủ ở thương tổn của bệnh nhân tiêm truyền vào mặt trước cánh tay và thấy xuất hiện thương tổn bệnh tại chỗ đó. Sau này, vào những năm 1990, Benzacon đã phân lập được vi khuẩn trên môi trường thạch máu.

Các từ đồng nghĩa: chancroid, soft chancre, ulcus molle, chancre nou

1.2. Dịch tễ học

Lây truyền từ người này sang người khác qua giao hợp với người có H.Ducreyi ở vết loét. Bệnh có trên toàn cầu, nhưng gặp nhiều ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi bệnh thành dịch, ngoài ra còn gặp ở châu Á, Mỹ Latinh. Theo ước tính của WHO, hàng năm có khoảng 6 triệu trường hợp mới mắc. Việt Nam hiện nay hiếm gặp và đa số bệnh nhân ở phía Nam.

Nam bị bệnh nhiều hơn nữ, viêm hạch bạch huyết cũng hay gặp ở nam.

Công thức về tốc độ lây nhiễm bệnh:

Xem thêm:  Bài 17: Bệnh rám má

Ro = βcD

Ro = Tốc độ lây nhiễm cơ sở, nghĩa là số trung bình những ca lây nhiễm xảy ra từ một trường hợp ban đầu trong toàn bộ quần thể cảm nhiễm với bệnh.

β = Xác xuất làm lây bệnh cho một bạn tình có cảm nhiễm với bệnh.

c = Số bạn tình trung bình cho một đơn vị thời gian.

D = Thời gian bệnh tồn tại.

Mỗi một bệnh STD có một β khác nhau. Bệnh hạ cam có β cao nhất tới 80%, trái lại thời gian mang bệnh lại rất ngắn, chỉ có 0,08 (năm).

Để bệnh có thể tồn tại thành một bệnh dịch địa phương, thì mỗi bệnh nhân phải lây truyền cho một người.

  1. CĂN NGUYÊN VÀ BỆNH SINH

Căn nguyên là trực khuẩn Gram (-) có tên là Haemophilus ducreyi, là liên trực khuẩn. Người là vật chủ duy nhất của H.ducreyi. H.ducreyi có thể mọc trên môi trường thạch máu, hiện có môi trường nuôi cấy chọn lọc H.ducreyi từ những năm 1980 do Hammond và cộng sự phát minh. Multiplex PCR (M-PCR) là kỹ thuật có độ nhạy cao nhất chẩn đoán nhiễm H.ducreyi.

Bệnh hạ cam có đồng yếu tố dịch tễ học trong lây truyền HIV, làm tăng khả năng lây truyền HIV từ 5-9 lần hoặc cao hơn nữa.

  1. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Thời gian ủ bệnh thường 3-10 ngày và không có tiền triệu. H.ducreyi xâm nhập qua thượng bì khi quan hệ tình dục. Sau đó đi vào hạch lympho.

Xem thêm:  Bài 78: Viêm da tiếp xúc

Biểu hiện đầu tiên là sẩn mềm, xung quanh có quầng đỏ. Sau khoảng 24-48h tiến triển thành mụn mủ. Sau vài ngày đến 2 tuần bị trợt và loét. Vết loét mềm và rất đau, thường vào giai đoạn này người bệnh mới đi khám. Bở vết loét rõ, sói mòn và không cứng. Nền vết loét phủ bởi dịch tiết mủ hoại tử màu vàng hoặc xám, dưới là tổ chức hạt mủ, dễ chảy máu. Thường có phù nề xung quanh tổn thương. Số lượng vết loét có thể chỉ có một nhưng thường nhiều do tự lây nhiễm, nữ thường bị nhiều vết loét hơn nam. Kích thước các vết loét từ 2-10mm, các vết loét có thể liên kết thành một vết loét lớn hoặc thành hình rắn bò. Nếu không điều trị, các vết loét có thể dai dẳng vài tháng gây vết loét to, khi lành sẹo gây xơ hóa chít hẹp bao quy đầu.

Khu trú: nam hay bị vết loét ở bao quy đầu, rãnh quy đầu, thân dương vật. Nữ có ở chạc âm hộ, môi lớn, môi nhỏ, tiền đình âm đạo, âm vật, cổ tử cung, hậu môn…, các vị trí ngoài sinh dục như vú, ngón tay, đùi, niêm mạc miệng.

Hạch bện viêm đau thường ở một bên và 1-2 tuần sau khi thương tổn đầu tiên xuất hiện. Hạch sưng đỏ, đau, nóng rồi dần dần trở nên mềm lùng nhùng và vỡ tự nhiên. Mủ đặc sánh như kem, nam bị nhiều hơn nữ. Tỷ lệ bệnh nhân bị sưng hạch bẹn khoảng 1/3.

Xem thêm:  Bài 23: Bệnh lậu

Triệu chứng toàn thân có thể sốt nhẹ, mệt mỏi. Tuy vậy, H.ducreyi không gây nhiễm khuẩn toàn thân hoặc lây truyền sang các cơ quan xa. Bội nhiễm các vi khuẩn yếm khí có thể gây loét hoại thư và phá hủy cơ quan sinh dục. Trên những bệnh nhân HIV/AIDS thì vết loét lớn hơn, lâu lành hơn và ít bị viêm hạch bạch huyết nặng như người bình thường.

Nam giới thường đi khám chữa vì vết loét thường đau hoặc viêm đau hạch bẹn. Phụ nữ triệu chứng thường không rõ, biểu hiện tùy thuộc vị trí săng khư trú: đau khi đi tiểu, đau khi đi đại tiện, chảy máu trực tràng, đau khi giao hợp hoặc ra khí hư.

Bệnh hạ cam không thấy gây bệnh cho trẻ sơ sinh dù người mẹ đang bị bệnh.

(Tài liệu được biên soạn bởi PGS. TS Nguyễn Duy Hưng của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội)