BỆNH VẢY NẾN
(Psoriasis)
- ĐẠI CƯƠNG
Từ thời cổ đại trong y văn của Hypprocrates đã mô tả một nhóm bệnh da khô, bòng vảy và mụn mủ bao gồm các bệnh về sau được tách riêng như: bệnh vảy nến, chốc, phong, lichen. Năm 1801, Robert Willan là người đầu tiên tổng hợp những nét đặc trưng của một bệnh và đặt tên là “psoriasis”. Ở Việt Nam giáo sư Đặng Vũ Hỷ là người đầu tiên gọi bệnh này là “vảy nến”.
Vảy nến là bệnh mạn tính, tiến triển từng đợt, dai dẳng suốt đời. Bệnh thường gặp ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Tỷ lệ bệnh vảy nến chiếm khoảng 2-3% dân số tùy theo từng khu vực. Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Da liễu Trung ương năm 2010, tỷ lệ bệnh nhân vảy nến chiếm khoảng 2,2% tổng số bệnh nhân đến khám bệnh.
Căn nguyên của bệnh vảy nến chưa rõ. Vì vậy, cơ chế phát sinh và những yếu tố làm bệnh dai dẳng vẫn đang được nghiên cứu. Nhiều tác giả cho rằng vảy nến là bệnh do rối loạn miễn dịch và có yếu tố di truyền.
Hình thái lâm sàng của bệnh vảy nến đa dạng, ngoài thương tổn da, còn có thương tổn niêm mạc, móng và khớp xương. Do ảnh hưởng của thuốc điều trị hình ảnh lâm sàng của bệnh thay đổi, nhiều trường hợp khó chẩn đóa.
- LÂM SÀNG
2.1. Triệu chứng
2.1.1. Thương tổn da
Điển hình là những dát đỏ, giới hạn rõ với da lành, trên phủ vảy da dễ bong.
Vị trí thường gặp ở chỗ tỳ đè, vùng hay bị cọ sát như khuỷa tay, đầu gối, mấu chuyển, mặt duỗi các chi, chỗ bị sang chấn hay vết bỏng, sẹo, vết cào gãi gọi là dấu hiệu Koebner. Thương tổn có khuynh hướng đối xứng.
Đặc điểm của dát: màu đỏ hoặc hồng, ấn kính mất màu; hình tròn hoặc bầu dục, hoặc hình nhiều vòng cung tạo lên những thể lâm sàng khác nhau (thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng…; kích thước khác nhau; số lượng hay gặp nhiều thương tổn và lan tỏa; ranh giới rõ với da lành; sờ mềm, không thâm nhiễm, một số trường hợp có màu đỏ, chắc hơn, sung huyết; không đau; mức độ ngứa phụ thuộc vào sự nhạy cảm của từng bệnh nhân.
Đặc điểm của vảy da: khô, gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau, độ dầy không đều, dễ bong; màu trắng đục như xà cừ hay màu xỉn; phủ kín toàn bộ dát đỏ hoặc phủ một phần, thường để lại vùng ngoại vi.
Cạo vảy theo phương pháp của Brocq: dùng thìa nạo cùn (curette) cạo trên thương tổn vảy nến từ vài chục đến hàng trăm lần thì thấy: đầu tiên là vảy da bong thành lát mỏng có màu trắng đục; tiếp tục cạo sẽ thấy một màng mỏng bong ra (gọi là màng bong); dưới lớp màng bong bề mặt đỏ, nhẵn, bóng, có những điểm rớm máu gọi là hạt sương máu (signe d’Auspitz). Những trường hợp đã điều trị hoặc vảy nến có biến chứng thì dấu hiệu này không rõ.
2.1.2. Thương tổn móng
Chiếm khoảng 30-50% tổng số bệnh nhân vảy nến, thường kèm với thương tổn da ở đầu ngón hoặc rải rác ở toàn thân. Nếu chỉ có thương tổn móng đơn thuần thì khó chẩn đóa, phải sinh thiết móng.
Thương tổn móng thường gặp là: mặt móng có những chấm lõm (dạng cái đê khâu) hoặc những vân ngang, có những đốm trắng hoặc thành viền màu vàng đồng. Bong móng ở bờ tự do, quá sừng dưới móng cùng với dầy móng và mủn. Có thể biến mất toàn bộ móng để lại giường móng bong vảy sừng. Kết hợp với đỏ da bong vảy xung quanh móng. Vảy nến mụn mủ thấy các mụn dưới móng hoặc xung quanh móng.
2.1.3. Thương tổn khớp
Chiếm khoảng 10-20% tổng số bệnh nhân vảy nến. Gồm các biểu hiện đau các khớp; hạn chế và viêm một khớp; viêm đa khớp vảy nến hình ảnh lâm sàng giống viêm đa khớp dạng thấp; viêm khớp cột sống vảy nến hiếm gặp hơn so với viêm đa khớp, khó phân biệt với viêm cột sống dính khớp.
XQ thấy hiện tượng mất vơi ở đầu xương, hủy hoại sụn, xương, dính khớp.
2.1.4. Thương tổn niêm mạc
Thường gặp ở niêm mạc qui đầu là những vết màu hồng, không thâm nhiễm, giới hạn rõ, ít hoặc không có vảy, tiến triển mạn tính.
Ở lưỡi giống viêm lưỡi hình bản đồ hoặc viêm lưỡi phì đại tróc vảy.
Ở mắt hình ảnh viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm mí mắt.
2.2. Các thể lâm sàng
2.2.1 Thể thông thường
- Theo kích thước và số lượng thương tổn
Vảy nến thể chấm hoặc thể giọt thương tổn có kích thước dưới 1cm.
Vảy nến thể đồng tiền thương tổn kích thước từ 1-3cm.
Vảy nến thể mảng hoặc thành đám từ 5-10cm.
- Hình thái lâm sàng theo vị trí giải phẫu
Vảy nến ở các nếp gấp hay vảy nến đảo ngược.
Vảy nến ở da đầu và ở mặt.
Vảy nến lòng bàn tay, bàn chân.
Vảy nến của các móng.
2.2.2. Thể đặc biệt
- Vảy nến thể mủ
Thể mủ khu trú: ở lòng bàn tay, bàn chân là thể của Barber; thể khu trú ở các đầu ngón tay, ngón chân còn gọi là viêm da đầu chi liên tục của Hallopeau.
Thể lan tỏa, điển hình là thể lan tỏa nặng của Zumbusch. Bệnh bắt đầu xảy ra đột ngột sốt 40C, xuất hiện những mảng dát đỏ trên da lành hoặc chuyển dạng từ những mảng vảy nến cũ, kích thước lớn, đôi khi lan tỏa, màu đỏ tươi, căng phù nhẹ, ít hoặc không có vảy, tạo ra hình ảnh đỏ da toàn thân. Trên những mảng dát đỏ xuất hiện mụn mủ nhỏ bằng đầu đinh ghim, trắng đục nằm ở nông dưới lớp sừng, dẹt, hiếm khi đứng riêng rẽ, thường nhóm lại. Xét nghiệm mủ không tìm thấy vi khuẩn
Ba giai đoạn dát đỏ, mụn mủ và bong vảy da xuất hiện xen kẽ trên cùng một bệnh nhân do các đợt phát bệnh xảy ra liên tiếp
- Vảy nến đỏ da toàn thân
Thường là biến chứng của vảy nến thông thường, đặc biệt là do dùng corticoid toàn thân, đôi khi là biểu hiện đầu tiên của bệnh vảy nến. Có hai hình thái: dạng khô, không thâm nhiễm tương ứng với thể vảy nến toàn thân hoặc vảy nến lan tỏa; dạng ướt và phù nề gọi là đó da toàn thân vảy nến. Hình thái khô và ướt có thể chỉ là hai giai đoạn tiến triển của bệnh, lúc đầu khô sau phù nề nứt nẻ, tiết dịch, bội nhiễm.
- Vảy nến trẻ em
Tất cả vảy nến thông thường ở người lớn có thể được thấy ở trẻ em. Tuy nhiên, vảy nến ở trẻ em có thể gặp một số hình thái đặc biệt.
Vảy nến cấp thể giọt. Thể này rất thường gặp, nó thường kế tiếp sau một bệnh nhiễm trùng mũi họng, đôi khi sau khi tiêm vaccin.
Vảy nến ở trẻ sơ sinh (psoriasis du norrison).
2.3. Tiến triển và biến chứng
2.3.1. Tiến triển
Bệnh tiến triển từng đợt, xen kẽ những đợt bùng phát là thời kỳ tạm lắng. Khi thương tổn biến mất hoàn toàn gọi là “vảy nến yên lặng = P.en re’mission”. Chỉ còn một vài mảng thương tổn khu trú ở vị trí nào đó, tồn tại dai dẳng trong nhiều tháng, nhiều năm gọi là “vảy nến ổn định = P.stables”. Vì vậy, khi sạch thương tổn cũng không thể coi bệnh đã khỏi hoàn toàn.
2.3.2. Biến chứng
Chàm hóa, lichen hóa, bội nhiễm, ung thư da.
Đỏ da toàn thân.
Vảy nến thể khớp có thể làm biến dạng khớp, cứng khớp, nhất là cột sống.
(Tài liệu được biên soạn bởi PGS. TS. Trần Văn Tiến của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội)