BỆNH SẠM DA
(Hyperpigmentation)
- ĐẠI CƯƠNG
Sạm da là tình trạng tăng sắc tố da làm cho da vùng tổn thương có màu nâu, nâu đen, vàng nâu, xanh, xanh đen, thương tổn có thể gặp ở bất kỳ vùng da nào của cơ thể, tuy nhiên vị trí hay gặp là vùng hở, đặc biệt là mặt, cổ,… ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh.
- NGUYÊN NHÂN CỦA SẠM DA
Sạm da là kết quả của nhiều nguyên nhân gây nên: như di truyền, rối loạn nội tiết, do rối loạn chuyển hóa, yếu tố vật lý, tăng sắc tố sau viêm, bệnh tự miễn, do dị ứng thuốc… Kết quả cuối cùng làm rối loạn quá trình sản sinh sắc tố melanin và sự phân bổ của sắc tố melanin ở các lớp tế bào thượng bì, đôi khi cả trung bì, hoặc ảnh hưởng tới số lượng tế bào sắc tố.
- CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH
3.1. Lâm sàng
* Sạm da do di truyền, bẩm sinh
- Hội chứng LEOPARD: nốt ruồi, bất thường về điện tim, hai mắt cách xa nhau, hẹp động mạch phổi, bất thường bộ phận sinh dục, phát triển chậm và điếc.
- Hội chứng PEUTZ-JEGHERS: nốt ruồi ở môi dưới, các mảng sắc tố xuất hiện từ khi sinh ra, hoặc lúc còn nhỏ, các tổn thương trên da có thể dần biến mất nhưng các tổn thương trong miệng thì không.
- Tàn nhang: là các đốm màu nâu hoặc cà phê sữa, kích thước thường nhỏ hơn 0,5cm. Tổn thương thường xuất hiện ở vùng bộc lộ với ánh sáng mặt trời và thường là xuất hiện trước 3 tuổi. Khi đến tuổi dậy thì bệnh nặng và càng về mùa xuân hè sạm da tăng lên, mùa thu đông có giảm đi.
- Một số bệnh khác như:
- Hội chứng CALM: là những mảng màu cà phê sữa, nhợt đồng đều, rải rác, chu vi rõ ràng, kích thước từ 2-20cm, xuất hiện rất sớm sau khi sinh ra, có xu hướng biến mất khi trẻ lớn lên.
- Bệnh BECKER: một mảng màu nâu, kích thước từ vài cm đến rất lớn, ranh giới rõ nhưng bờ không đều, hay xuất hiện ở vai, dưới vú hay sau lưng, ở vào tuổi 20-30 thường bị nhiều hơn, nhất là thường xuất hiện sau khi phơi nắng nhiều.
- Nhiều sắc tố đầu chi của NOLI: xuất hiện vùng da tăng sắc tố lốm đốm xen lẫn vùng mất sắc tố ở mu tay và mu chân. Có từ lúc bú mẹ hay trẻ nhỏ.
- Tăng sắc tố dạng vùng đầu chi của Kitamura: xuất hiện một mạng lưới tăng sắc tố giống tàn nhang ở bàn tay. Tổn thương thường xuất hiện trước tuổi 20.
Ngoài ra còn một số bệnh khác như: bớt Ota ở mặt, Ito, bớt vùng cổ gáy.
- Bệnh nhiều sắc tố dầm dề xuất hiện ngay sau đẻ, bệnh ảnh hưởng đến nữ giới và gây chết ở nam giới với 3 giai đoạn:
- Giai đoạn bọng nước, mụn nước xuất hiện khi đẻ hoặc sau đó hai tuần.
- Giai đoạn sẩn: có thể xuất hiện từ tuần thứ 2 đến thứ 6.
- Giai đoạn nhiễm sắc tố: từ tuần thứ 12 đến 36, xuất hiện các mảng tăng sắc tố màu nâu, màu sắc ngày càng tăng cho đến 2 tuổi sau đó giảm dần, tinh thần chậm phát triển.
* Sạm da do rối loạn chuyển hóa
- Bệnh thiếu sắc tố do thiếu sắt.
- Thoái hóa bột.
* Sạm da do rối loạn nội tiết
- Bệnh Addison: với các dát màu nâu rải rác khắp toàn thân do tăng cường sản xuất MSH và ACTH là hai hormon của tuyến yên. Mặc dù các dát sắc tố rải rác khắp toàn thân nhưng phần nhiều tập trung ở vùng bột lộ với ánh sáng.
- Dát sắc tố trong thời kì mang thai: Rất nhiều phụ nữ thời kì mang thai xuất hiện các dát sắc tố: hay gặp nhất ở mặt, cổ, vú, vùng sinh dục ngoài…
* Do hóa chất
- Do dị ứng thuốc trong bệnh hồng ban cố định nhiễm sắc
- Những hóa chất hay thuốc gây ra tăng sắc tố da thường là các hóa chất có nguồn gốc dầu mỏ, mỹ phẩm, nước hoa. Những hóa chất này đón vai trò là chất cảm quang làm tăng sắc tố da ở vùng bộc lộ ánh sáng.
* Các yếu tố khác
Do dinh dưỡng mà nguyên nhân hàng đầu phải kể đến là thiếu vitamin A, B12, vitamin PP gặp chủ yếu ở vùng hở.
Yếu tố vật lý: rám nắng ở vùng có bộc lộ với ánh sáng mặt trời.
- Tăng sắc tố trong các khối u lành tính và ác tính.
- Tăng sắc tố trong bệnh hệ thống, bệnh lao, sốt rét, xơ cứng bì…
3.2. Cận lâm sàng
- Xác định sạm da khu trú ở thượng bì, trung bì, hay cả hai sử dụng đèn Wood trong buồn tối chiếu vào tổn thương tăng sắc tố nếu:
Nếu sắc tố tăng đậm hơn so với nhìn mắt thường là tăng sắc tố thượng bì.
Nếu sắc tố mờ đi hay không nhìn thấy là tăng sắc tố ờ trung bì.
Khi chiếu đèn Wood vào tổn thương mà có chỗ tăng sắc tố, có chỗ mờ đi là tăng sắc tố ở cả thượng bì và trung bì. Hay còn gọi là tăng sắc tố hỗn hợp.
- Mô bệnh học:
Biết tính lượng tăng sắc tố thượng bì, trung bì, hay hỗn hợp, cũng như tình trạng sắc tố và các điểm đặc trưng mô bệnh học cho mỗi một loại bệnh tăng sắc tố.
- Các xét nghiệm khác đẻ xác định nguyên nhân của tăng sắc tố
- Bản đồ gen: phát hiện các đột biến gen gây bệnh.
- Xét nghiệm sinh hóa máu: phát hiện các rối loạn chuyển hóa, định lượng các hormon.
- Siêu âm: phát hiện các bất thường nội tạng gây bệnh như teo tuyến thượng thận, u tuyến giáp…
- Các xét nghiệm khác đặc hiệu cho từng bệnh.
(Tài liệu được biên soạn bởi PGS. TS Nguyễn Văn Thường của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội)