Danh mục
BỆNH DA DO NẤM SPOROTRICHOSIS
(Sporotrichosis)
1. ĐẠI CƯƠNG
Năm 1898, Benjamin Schenck lần đầu tiên phân lập và miêu tả nấm Sporothrix schenckii tại đại học John Hopkin với sự giúp đỡ của nhà nấm học EF Smith. Năm 1990, Hektoen và Perkins miêu tả chi tiết hình thái của nấm và đặt tên là S.schenckii. Nấm được phân lập từ đất, gỗ, ngũ cốc, sinh vật biển, một số côn trùng ở đất trên khắp các vùng trên thế giới. Tuy nhiên, bệnh có thể có tính dịch tễ cao ở một số địa phương. Ở những nơi dịch tễ, người có nguy cơ mắc bệnh là người làm việc ở ngoài trời, đặc biệt người làm vườn. Một vụ dịch lớn nhất của nấm vào năm 1941-1944 tại Nam Phi với khoảng 3000 người thợ đào vàng bị mắc bệnh. Rêu trong nước thường được cho là nguồn chứa nấm S.schenckii. Bệnh có thể xuất hiện ở các lứa tuổi nhưng gặp ở người lớn nhiều hơn.
2. CĂN SINH BỆNH HỌC
Sporothrix schenckii là nấm lưỡng hình, tồn tại dạng sợi ở nhiệt độ 25C và dạng men ở nhiệt độ 37C. Nấm Sporothrix schenckii thường khó phát hiện trong mô sinh thiết.
Nấm Sporotrichose thường hay gặp sau vết thương ở da, đặc biệt là do gai hoặc mảnh gỗ đâm vào. Sự lây truyền từ động vật sang người là hiếm. Nhiều vết thương trên da có thể xuất hiện cùng lúc, không phải là sự lan tỏa mà từ tổn thương ban đầu. Biểu hiện và giai đoạn của bệnh phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch của vật chủ cũng như kích thước của vết thương và độc tính của nấm. Ở người bệnh đã từng bị nhiễm nấm trước đây thì không thấy xuất hiện sự lan theo đường bạch huyết mà tạo vết loét tại chỗ hoặc mảng u hạt xuất hiện tại chỗ nấm xâm nhập. Dạng u hạt thường xuất hiện ở mặt.
Nấm da lan tỏa có hoặc không kèm biểu hiện toàn thân có thể xuất hiện, đặc biệt ở người bị suy giảm miễn dịch. Trong trường hợp nấm Sporotrichose do hít phải có thể biểu hiện da lan tỏa hoặc hệ thống tương tự như nấm Histoplasmosis và các nấm lưỡng hình khác.
3. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Thời gian ủ bệnh: thường vài tuần kể từ khi nấm xâm nhập vào da qua vết thương.
Vị trí: thường gặp ở bàn tay và vùng da hở. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ vị trí hay gặp nhất là mặt (92%).
Biểu hiện của bệnh được chia thành 4 thể khác nhau phụ thuộc vào kích thước, độ sâu của tổn thương ban đầu, độc lực của nấm và đáp ứng miễn dịch của người bệnh. Thể da/hạch bạch huyết “sporotrichoid”; da tại chỗ; rải rác và lan tỏa; nội tạng.
- Thể da/ hạch bạch huyết: thể hay gặp nhất (75%), biểu hiện ban đầu của nhiễm nấm là một sẩn ở vị trí vết thương. Sẩn phát triển to lên trở thành dạng nốt, trên có thể trợt, loét và rỉ mủ, ít đau. Vài tuần sau khi sự phát triển của tổn thương ban đầu, tổn thương khác xuất hiện, điển hình như nốt sẩn da và dưới da và loét ở dọc theo đường bạch huyết (thường lên cẳng tay và cánh tay). Các đường bạch huyết có thể trở nên viêm, xơ.
- Thể da tại chỗ: tổn thương xuất hiện cố định ở da tại nơi nấm xâm nhập. Tổn thương là sẩn, nốt, mảng, sùi hoặc có thể loét dạng u hạt. Vị trí ở mặt, cổ, thân hoặc chân. Bệnh có tính mạn tính do không có xu hướng tự lành.
- Thể rải rác và lan tỏa: thể hiếm gặp, thường xuất hiện trên người bị suy giảm miễn dịch tế bào như người nghiện rượu, đái đường, sarcoidosis, lao, ghép cơ quan, ung thư, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch hoặc HIV/AIDS. Vị trí gặp ở da, phổi, màng não, xương khớp. Tổn thương da là đám loét, viêm nang lông dạng trứng cá, mảng thâm nhiễm cứng.
- Thể nội tạng: là thể rất hiếm và khó chẩn đoán do không có tổn thương ở da. Khớp là vị trí hay gặp nhất của thể nội tạng (80%). Biểu hiện sưng đau, tràn dịch và hạn chết vận động của khớp. Biểu hiện ở phối giống như lao với sốt nhẹ, ho kéo dài, giảm cân. X-quang phổi biểu hiện xơ phổi 1 hoặc 2 bên với hình ảnh bong bóng. Viêm màng não, viêm mắt cũng được ghi nhận.
Hồng ban nút có thể gặp kèm theo với các biểu hiện ở thể da/hạch bạch huyết và da tại chỗ.
(Tài liệu được biên soạn bởi PGS. TS Lê Hữu Doanh của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội)