duitnow casino

Bài 75: Hồng ban nút

HỒNG BAN NÚT

( Erythema nodusum)

1. ĐẠI CƯƠNG

Hồng ban nút đặc trưng bởi các cục tổn thương màu đỏ có đau, đôi khi là mảng bầm máu ở mặt trước 2 cẳng chân. Tình trạng này có thể tự phát hoặc sau 1 số các nguyên nhân như nhiễm khuẩn, virus hoặc sau khi sử dụng thuốc.

Hồng ban nút được Willan mô tả lần đầu tiên năm 1798, sau đó năm 1842 Willson cho rằng đó là một thể khác của hồng ban đa dạng. Năm 1860, Hebra mô tả triệu chứng lâm sàng của tình trạng này và đặt tên là viêm da dạng bầm tím                 ( dermatitis contusiformis). Sau này các nhà khoa học cho rằng hồng ban nút là một tình trạng bệnh có thể do tự phát hoặc do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.

Bệnh xuất hiện ở cả 2 giới, tuy nhiên, thường gặp hơn ở nữ. Tỉ lệ nam: nữ là 1:4. Không có sự khác biệt về giới ở trẻ nhỏ.

Tuổi: bất kì tuổi nào từ nhỏ cho đến hơn 70 tuổi, tuy nhiên thường gặp nhất ở người lớn trẻ tuổi từ 18 – 34 tuổi.

Tỷ lệ: 2,4/10.000 đến 52/1.000.000

2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

2.1. Nguyên nhân

–   Nhiễm khuẩn: vi khuẩn, virus, nấm và protozoa… Tất cả các nguyên nhân nhiễm khuẩn đều có thể gây ra tình trạng hồng ban nút, tuy nhiên nhiễm liên cầu đường hô hấp trên là nguyên nhân do nhiễm khuẩn thường gặp nhất và là nguyên nhân phổ biến nhất của hồng ban nút ở trẻ nhỏ. Trước đây, nhiễm lao, phong là nguyên nhân phổ biến, tuy nhiên ngày nay tỉ lệ này đã giảm đi đáng kể. Mặc dù vậy luôn phải loại trừ nguyên nhân hồng ban nút do lao, phong. Ngoài ra, một vi khuẩn thường gây hồng ban nút nữa là Yersinia.

Xem thêm:  Bài 89: Ban xuất huyết scholein – henoch

–   Thuốc: kháng sinh, thuốc tránh thai, thuốc dạng hít. Trong những trường hợp bệnh nhân dùng kháng sinh thì rất khó để phân biệt bệnh nhân bị hồng ban nút do thuốc hay do nhiễm khuẩn. Tuy vậy, kháng sinh penicillin và sulfonamid là 2 loại kháng sinh thường gây hồng ban nút.

–   Các bệnh ác tính: thường gặp nhất là leukemia hoặc lymphoma.

–   Bệnh tự miễn và các rối loạn  viêm khác: sarcoidosis và bệnh viêm ruột mạn tính. Gần đây hồng ban nút do sarcoidosis đang ngày càng tăng.

–   Một phần hai trường hợp hồng ban nút là do tự phát: những trường hợp này thường tiến triển kéo dài trên 6 tháng. Yếu tố khởi phát của các trường hợp hồng ban nút mạn tính vẫn chưa biết đến, mặc dù đã ghi nhận tình trạng có thai và uống thuốc tránh thai trong vai trò quan trọng trong những trường hợp này.

2.2. Cơ chế bệnh sinh

Hồng ban nút được cho là phản ứng quá mẫn cảm của cơ thể đối với nhiều tác nhân khác nhau, tuy nhiên, có chế chính xác của sự rối loạn này, cho đến nay vẫn chưa được hiểu một cách chính xác. Có các giả thuyết về cơ chế bệnh sinh của hồng ban nút như sau:

–   Hồng ban nút là kết quả của sự lắng đọng phức hợp miễn dịch ở vách của mô mỡ gây nên tình trạng viêm mô mỡ tăng bạch cầu đa nhân trung tính. Tại vùng tổn thương có tăng bạch cầu đa nhân trung tính tại tổn thương gấp 4 lần so với da trung bình, bình thường ở người khỏe mạnh và sự tăng này cũng có mối liên quan với độ hoạt động của bệnh. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng không giải thích được liệu đây là nguyên nhân hay là hậu quả của bệnh.

Xem thêm:  Bài 52: Viêm cân cơ hoại tử

–   Liên quan tới gen: trong một nghiên cứu cho thấy ở những bệnh nhân hồng ban nút có hiện tượng tăng sản xuất TNF alpha.

3. BIỂU HIỆN BỆNH

3.1. Triệu chứng lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng của hồng ban nút chủ yếu là các cục hoặc các mảng nóng, đỏ, đau ranh giới không rõ, kích thước từ 2 – 6 cm, ở mặt duỗi 2 cẳng chân, đối xứng nhau. Các vị trí khác có thể xuất hiện tổn thương bao gồm: cánh ta, đùi, hiếm khi xuất hiện ở thân mình và mặt, đặc biệt là hồng ban nút ở trẻ em. Tổn thương có thể tồn tại vài ngày hoặc vài tuần sau đó liên kết với nhau tạo thành mảng đỏ hoặc mảng thâm tím nếu có xuất huyết trong mô mỡ. Tổn thương thường kéo dài 3 -6 tuần kèm theo sự xuất hiện của các thương tổn mới trong 6 tuần tiếp theo, tuy nhiên thời gian có thể kéo dài hơn hoặc tái phát.

–   Tổn thương không có vết loét và khi khỏi không để lại teo da hay sẹo.

–   Triệu chứng toàn thân hay gặp nhất thường là sốt, mệt mỏi, đau khớp, viêm khớp, đau đầu. Ít gặp hơn là các triệu chứng: đau bụng, nôn, tiêu chảy và ho.

–   Biểu hiện ở mắt có thể xuát hiện cùng các thương tổn da.

–   Viêm họng, viêm amidan, viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện trước khi có tổn thương da khoảng 20 – 30% các trường hợp và có thể xuất hiện trước khi xuất hiện tổn thương da 1 – 3 tuần.

Xem thêm:  Bài 12: Á vảy nến và vảy phấn dạng lichen

3.2. Cận lâm sàng

–   Tốc độ máu lắng tăng cao

–   Nuôi cấy vi khuẩn có thể dương tính

–   Nếu nguyên nhân do nhiễm liên cầu thì ASLO tăng cao và bạch cầu tăng.

–   Test mantoux phải được thực hiện để loại trừ hồng ban nút do lao ở những nước có tỉ lệ nhiễm lao cao.

–   XQ ngực thẳng: loại trừ hồng ban nút do nhiễm khuẩn, do lao và hồng ban nút do sarcoidosis.

–   Mô bệnh học: về mặt mô bệnh học, hồng ban nút được phân loại vào viêm vách mô mỡ ( septal panniculitis), mặc dù viêm thù mỡ có thể kèm theo trong một vài trường hợp. Thành phần của các tế bào viêm khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của tổn thương.

Giai đoạn sớm: phù vách mỡ, thoát hồng cầu, và rải rác có bạch cầu đa nhân trung tính. Hình ảnh điển hình của hồng ban nút là: vách mô mỡ rộng, xơ hóa nhẹ và có thâm nhiễm các tế bào lympho, các histyocytes, bạch cầu đa nhân trung tính và bạch cầu đa nhân ái toan; sự viêm có thể lan sang cả thùy mỡ, tuy vậy không có hiện tượng hoại tử tế bào mỡ ở mô mỡ trung tâm.

Giai đoạn muộn: vách mỡ xơ hóa và giãn rộng, kèm theo những u hạt Miiescher. U hạt Miescher là tiêu chuẩn vàng của hồng ban nút – là những u hạt ranh giới rõ có các mô bào ( histyocyte) bao xung quanh, ở trung tâm rải rác có các khe hình sao. Sự thâm nhiễm lympho, mô bào được nhìn thấy ở vách mô mỡ và ở trong các mạch máu nhỏ, mạch máu trung bình.

(Tài liệu được biên soạn bởi BS. Nguyễn Thị Phượng của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội).