Danh mục
VIÊM DA MẠN TÍNH DO ÁNH NẮNG
( Chronic actinic dermatitis )
1. ĐẠI CƯƠNG
Viêm da mạn tính do ánh nắng – Chronic actinic dermatitis ( CAD) ( còn được gọi là “ reticuloid tím”, “ viêm da nhạy cảm mãn tính”, “phản ứng ánh sáng liên tục” và “ chàm quang hóa” ). Chronic actinic dermatitis là tình trạng rối loạn cảm quang gây một phản ứng dạng chàm dai dẳng trên 3 tháng trên các vùng cơ thể tiếp xúc ánh nắng. Đây là bệnh mắc phải hiếm gặp với biểu hiện giống như chàm mạn tính, dai dẳng ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bệnh thường xảy ra khi tiếp xúc với một lượng nhỏ tia UVB, UVA và đôi khi là ánh sáng nhìn thấy.Có nhiều hình thái lâm sàng khác nhau như: Phản ứng ánh sáng dai dẳng, chàm ánh nắng, và viêm da dạng mạng lưới.
2. DỊCH TỄ HỌC
Bệnh thường gặp hơn ở những người đàn ông trên 50 tuổi và thường nặng hơn trong những tháng mùa hè hoặc sau khi tiếp xúc kéo dài với ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, Chronic actinic dermatitis cũng đã gặp ở những trẻ tuổi ở cả hai giới, thường chẩn đoán nhầm với viêm da dị ứng. Trong một nghiên cứu đa trung tâm đã tiến hành trước đây từ năm 1985 – 1993 tại trường đại học New York ( NYU) Charles Harris và đơn vị ung thư da, đa số bệnh nhân bị CAD là nam giới trên 50 tuổi và chủ yếu là các typ da V và VI, hiếm gặp bệnh nhân dưới 50 tuổi.
3. NGUYÊN NHÂN, SINH BỆNH HỌC
Các nghiên cứu về lâm sàng, mô học, và miễn dịch của bệnh Chronic actinic dermatitis, người ta thấy nó có các đặc điểm giống với phản ứng quá mẫn chậm trong bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng. Ngoài quá mẫn với kháng nguyên là photoantigens da, bệnh nhân Chronic actinic dermatitis còn dị ứng với chất gây dị ứng phổ biến trong không khí bao gồm thực vật, nước hoa trong đó chất sesquiterpenne lactone vẫn là chất gây dị ứng phổ biến nhất ở những bệnh nhân CAD. Ngoài ra, gần đây đã nổi lên một kháng nguyên phổ biến trong Chronic actinic dermatitis là chất giống nhựa thơm của Peru.
Yếu tố di truyền chưa được xác định rõ ràng liệu có liên quan đến bệnh Chronic actinic dermatitis hay không. Chronic actinic dermatitis dường như là một phản ứng viêm da tiếp xúc dị ứng đối với tia UV. Biến đổi về DNA có lẽ là kết quả của tăng cường phản ứng miễn dịch do viêm da tiếp xúc đồng thời có sự giảm miễn dịch tại vùng da bị tổn thương do ánh sáng. Vì vậy các đợt nặng của bệnh xảy ra thường xuyên nhất ở những bệnh nhân tiếp xúc lâu dài với ánh sáng mặt trời và chất gây dị ứng trong không khí.
4. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Chronic actinic dermatitis có thể xuất hiện trên da bệnh nhân bình thường hoặc trên những bệnh nhân có sẵn cơ địa dị ứng như là dị ứng ánh sáng hoặc viêm da tiếp xúc dị ứng, hoặc hiếm khi là PMLE. Viêm da tiếp xúc dị ứng với chất gây dị ứng như thực vật, nước hoa, kem chống nắng cũng thường gặp.
Bệnh thường ảnh hưởng đến những người đàn ông trung niên hoặc người già, Chronic actinic dermatitis hiếm thấy ở những bệnh nhân dưới 50 tuổi, trừ trường hợp đối với những người eczema dị ứng trước đó. Bệnh nặng hơn trong mùa hè, xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Thương tổn da là các ban đỏ xuất hiện tại vùng da tiếp xúc, kèm theo ngứa mà thỉnh thoảng hết trong vài ngày nếu ngừng tiếp xúc hoặc phản ứng nhẹ. Tuy nhiên, những trường hợp nặng thương tổn xuất hiện thường xuyên, thậm chí không phân biệt được đợt cấp có liên quan đến tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hay không, đặc biệt là khi bị quanh năm.
Tổn thương da: có thể là thương tổn dạng chàm cấp tính, bán cấp hoặc mãn tính. Trong trường hợp nặng, lichen hóa là thường gặp. Ít gặp hơn là tổn thương ban đỏ lan tỏa hoặc rải rác hoặc các sẩn giả u lympho, bóng, hoặc các mảng trên nền ban đỏ hoặc tổn thương chàm cũ.
Bệnh thường xuất hiện sau ít nhất là 30 giây tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Các vùng tiếp xúc với ánh sáng, như khuôn mặt, cổ, ngực trên ( tạo hình chữ V), mặt, mu bàn tay thường bị nặng hơn và ngược lại các vùng nếp gấp, hoặc có quần áo che phủ là ít gặp hơn như các nếp nhăn sâu, mí mắt trên, kẽ ngón tay, và da phía sau dái tai. Trong trường hợp bệnh nặng, chàm ở lòng bàn tay và lòng bàn chân cũng có thể thấy. Lông mày, lông mi, tóc và da đầu có thể rụng hoàn toàn từ việc cọ xát liên tục và trầy xước. Đỏ da toàn thân cũng có thể gặp nhưng tổn thương vẫn nổi bật hơn ở các vị trí tiếp xúc.
5. CẬN LÂM SÀNG
– Mô bệnh học: hình ảnh xốp bào và tăng gai ở thượng bì. Trung bì có thâm nhiễm tế bào lympho chủ yếu quanh mạch, trong trường hợp nhẹ có thể giống eczema. Tuy nhiên Chronic actinic dermatitis nặng có thể giống u lympho tế bào T ( CTCL ) tại da. Biểu hiện bao gồm microabscesses ở thượng bì nông và sâu, thâm nhập dày đặc tế bào đơn nhân hướng thượng bì, đôi khi không điển hình.
– Xét nghiệm ANA, Ds-DNA là nên làm trong tất cả các bệnh nhân để loại trừ tổn thương da của lupus. Trong Chronic actinic dermatitis nặng hoặc đỏ da toàn thân, cần tìm tế bào Sezary trong máu để loại trừ bệnh lý ác tính.
– IgE huyết thanh có thể tăng.
6. PHÒNG BỆNH
Giảm các hoạt động ngoài trời là biện pháp dự phòng hiệu quả, đặc biệt là những người có liên quan đến phơi nhiễm chất gây dị ứng thực vật như làm vườn, thậm chsi nhiều hơn như vậy cho những cá nhân đã có khuynh hướng phát triển đợt cấp dạng chàm tại vùng da tiếp xúc.
Tránh tia UV là rất quan trọng, và bệnh nhân nên biết rằng ánh sáng trong nhà cũng có thể là một nguồn tiếp xúc với tia UVA. Đèn huỳnh quang compact phát ra thậm chí tia UV thậm chí ở các bước sóng nhỏ nhất là 254 nm, và một số bệnh nhân Chronic actinic dermatitis xuất hiện tổn thương sau khi tiếp xúc với ánh sáng của các loại đèn như vậy.
(Tài liệu được biên soạn bởi BS. Trần Thị Vân Anh của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội).