duitnow casino

Bài 102: Cấu trúc tóc, phân loại rụng tóc và một số kỹ thuật khám chẩn đoán rụng tóc

CẤU TRÚC TÓC, PHÂN LOẠI RỤNG TÓC VÀ MỘT SỐ KỸ THUẬT CHẨN ĐOÁN RỤNG TÓC

(Hair biology, classification and physical examination of hair loss)

1. CẤU TRÚC TÓC

1.1. Cấu tạo giãi phẫu của tóc

Tóc được chia thành 2 phần, phần chân tóc (phần sồng của tóc) và phần thân tóc phần chết của tóc). Phần chân tóc nằm dưới da đầu và kết nối thân tóc qua eo nang tóc và phễu nang tóc.

1.1.1. Nang tóc

Phần có cấu trúc hình túi bao lấy chân tóc gọi là nang tóc. Mỗi người có khoảng 100.000-150.000 nang tóc và số lượng nang tóc không thay đổi kể từ khi mới sinh đến tận khi về già. Phần đáy của chân tóc nằm trong một bầu gọi là hành tóc. Hành tóc là nơi nhận hormon; chuyển các tín hiệu đến tế bào tạo sừng; hấp thụ các chất dinh dưỡng (vitamin, oxygen). Mao mạch (hệ vi tuần hoàn) và các sợi dây thần kinh ( gai chân tóc) đi vào trong hành tóc. Khi hệ vi tuần hoàn trong gai chân tóc hoạt động tốt, sợi tóc sẽ tăng trưởng mau chóng và ngược lại nếu gai nếu gai chân tóc bị teo đi, sợi tóc sẽ không được cung cấp chất dinh dưỡng nữa và sẽ rụng đi. Phá hủy gai chân tóc sẽ làm tóc rụng hẳn, không mọc lại được nữa.

Các tế bào ở trung tâm của hành tóc gọi là mầm tóc. Mầm tóc là vùng phân chia tế bào hoạt động; mầm tóc tiếp tục sản xuất tế bào xếp thành chồng và hóa sừng sinh ra thân tóc. Những tế bào tóc mới đẩy tế bào tóc trước đó lên. Những tế bào di chuyển ra phía ngoài sẽ dần dần chết tạo thành phần thân tóc cứng.

Trong phần eo nang tóc, có 2 bộ phận rất quan trọng. Một là các tuyến bã nhờn có chức năng tiết ra những chất giúp tóc mềm mại, bóng mượt và không thấm nước. Thay đổi hoạt động của tuyến bã là nguyên nhân gây nên tình trạng tóc dầu hay tóc khô. Bộ phận quan trọng thứ hai là những sợi cơ rất nhỏ để cố định sợi tóc vào da đầu gọi là cơ vận lông. Khi trời lạnh hoặc hoảng sợ, ta thấy có hiện tượng “dựng tóc gáy” chính là do các sợi cơ này co lại.

Tóm tắt đặc điểm sinh học của nang tóc:

Sự phát triển của nang tóc phụ thuộc vào sự tương tác giữa lớp biểu bì và các tế bào trung mô. Các gen đóng vai trò quan trọng trong sự tương tác này đang dần được làm sáng tỏ.

– Các gen quan trọng cho sự phát triển của nang tóc đồng thời đóng vai trò trong chu trình nang tóc.

– Hành nang tóc có chứa tế bào mầm quan trọng cho việc tái tạo liên tục của nang tóc trong chu trình.

Xem thêm:  Bài 93: Viêm đa động mạch nút ở da

– Việc tạo sắc tổ của tóc phụ thuộc vào các tế bào sắc tố gốc và sự biệt hóa tế bào ở nang tóc. Rất nhiều gen quan trọng đối với hoạt động của tế bào sắc tố và việc hình thành sắc tố tóc đã được xác định.

1.1.2. Thân tóc

Nang tóc nằm sâu trong da đầu, phần mọc ra ngoài nhìn thấy được gọi là thân tóc. Thành phần chủ yếu là một loại protein gọi là chất sừng (keratin), chiếm 70%. Còn lại là một tỉ lệ nhỏ là nước cùng một số chất béo, chất dầu có tác dụng gắn kết các phần keratin lại với nhau.

Thân tóc gồm 3 lớp: lớp biểu bì (cuticle), lớp giữa (cortex) và lớp tủy (medulla):

– Lớp tủy là phần trong cùng của sợi tóc, chứa các hạt chất béo và không khí. Nếu sợi tóc quá mỏng sẽ không có lớp tủy.

– Lớp giữa gồm nhiều những sợi keratin cuộn lại với nhau như dây thừng. Tóc thẳng hay tóc quăn là do phần lõi này quyết định. Khi cắt ngang sợi tóc và đưa lên kính hiển vi, người ta nhận thấy những sợi tóc có thiết diện ngang hình tròn là những sợi tóc suôn, thẳng. Nhữung sợi tóc quăn (tự nhiên) lại cho mặt cắt ngang là một hình bầu dục.

Đây cũng là nơi chứa sắc tố, các chất tạo nên màu cho sợi tóc, còn gọi là melanin. Các melanin hoạt động do tế bào hắc tố nằm ở vùng da gần nang tóc tiết ra. Chính chất melanin trong lõi tóc sẽ quyết định sợi tóc mang màu gì. Có hai loại melanin là eumelanin cho tóc sẫm màu và pheomelanin cho tóc nhạt màu. Tùy theo số lượng melanin là nhiều hay ít mà tóc con người có nhiều sắc độ khác nhau. Khi về già, mọi hoạt động của cơ thể đeèu suy giảm, kể cả các tế bào hắc tố. Lượng melanin tiết ra quá ít sẽ khiến sợi tóc trở nên bạc trắng. Lo lắng, mất ngủ, stress nặng có thể ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng và hoạt động của các tế bào hắc tố, làm thay đổi lượng melanin tiết ra.

Lớp biểu bì là phần ngoài cùng của thân tóc, gồm 5-10 lớp keratin trong suốt xếp chồng lên nhau như vảy có tác dụng bảo vệ sợi tóc khỏi các hóa chất hoặc ảnh hường bên ngoài. Giữa các vảy keratin có một chất kết dính gọi là KIT. Lớp biểu bì còn được bao phủ bởi một màng mỡ mỏng (lipid) để tóc không thấm nước.

Sợi tóc bóng mượt và ống ả hay không là nhờ lớp biểu bì. Các hóa chất trong thuốc nhuộm, dầu gội, tia tử ngoại mặt trời, nhiệt từ máy sấy,chất clo trong nước hồ bơi… đều có thể làm mất chất kết dính KIT khiến cho các vảy keratin bị bong ra, tóc bị hư tổn, xơ xác, dễ rối, không còn mượt mà. Bản thân sợi tóc (phần thân tóc) là một cấu trúc “chết” nên không tự phục hồi được.

Xem thêm:  Bài 87: U mạch máu ở trẻ em

1.2. Quá trình sinh trưởng của tóc

Vòng đời của tóc tuân theo một chu trình gồm 3 giai đoạn. Trung bình một đời người mỗi nang tóc trải qua khoảng 25 chu trình.

Tính trung bình, mỗi sợi tóc có thể mọc dài ra khoảng 13-14 cm mỗi năm. Mỗi ngày, sợi tóc mọc thêm được một khoảng là 0,35mm.

– Giai đoạn tăng triển (anagen phase): 85% số tóc ở giai đoạn tăng triển. Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến 3 năm đối với nam giới, 6 đến 8 năm đối với phụ nữ.

– Giai đoạn ngừng triển (catagen phase): 1% số tóc ở giai đoạn ngừng triển. Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến 3 tuần.

– Giai đoạn thoái triển (telogen phase): 14% số tóc ở giai đoạn thoái triển. Giai đoạn này kéo dài khoảng 2-3 tháng. Sau thời kỳ nghỉ ngơi thì tóc sẽ bị rụng đi. Mỗi ngày một người rụng khoảng từ 50 tới 100 sợi tóc là bình thường. Sau khi tóc rụng, tóc mới sẽ mọc ra từ chân tóc và chu kỳ tăng trưởng sẽ bắt đầu trở lại.

2. PHÂN LOẠI RỤNG TÓC

2.1. Khái niệm chung

Hai thuật ngữ thường dùng trong rụng tóc (RT) là alopecia và effuvium cần được phân biệt rõ . Efluvium nhấn mạnh quá trình rụng tóc, alopecia nhấn mạnh hậu quả của rụng tóc. Cả 2 thuật ngữ này đều không đặc hiệu và không đưa ra được thông tin về căn nguyên.

– Có 2 cách phân loại bệnh rụng tóc: rụng tóc lan tỏa và rụng tóc có sẹo hay không sẹo:

+ Rụng tóc có sẹo: phá hủy vĩnh viễn cấu trúc tế bào gốc ở nang tóc dẫn đến mất khả năng mọc lại của tóc

+ Rụng tóc không sẹo: nang tóc không bị phá hủy đến tân cùng nên tóc có thể mọc lại được sau khi rụng

+ Rụng tóc có sẹo và không sẹo có thể khu trú hoặc lan tỏa

– Rụng tóc còn do yếu tố di truyền dẫn đến không có nang tóc hoặc nang tóc không hoàn thiện.

– Rụng tóc do tổn thương thân tóc: do mắc phải hoaặc di truyền:

+ Tổn thương thân tóc mắc phải thường đi kèm với tăng đứt gãy tóc và là hậu quả của thói quen chải tóc không đúng. Tổn thương loại này có thể hồi phục khi loại bỏ yếu tố khởi phát.

+ Tổn thương thân tóc do di truyền có thể chia thành 2 nhóm hoặc không có đứut gãy tóc. Tổn thương loại này không chữa khỏi được nhưng có xu hướng thuyên giảm theo tuổi tác.

2.2. Phân loại rụng tóc

2.2.1. Rụng tóc không sẹo (non scaring alopecia)

2.2.1.1. Rụng tóc không sẹo lan tỏa

– RT do androgen (androgenetic alopecia).

– RT telogen (telogen effuvium).

– RT anagen (anagen effuvium).

– RT kết hợp bị bệnh toàn thân hoặc hệ thống.

– RT do bệnh giang mai (syphilis).

– RT nội tiết.

2.2.1.2. Rụng tóc không sẹo khu trú

– RT thành đám/vùng (alopecia areata)

– RT do tật nhổ tóc ( trichotillomania).

2.2.2. Rụng tóc có sẹo (scarring alopecia, cicatricial alopecia)

Xem thêm:  Bài 12: Á vảy nến và vảy phấn dạng lichen

2.2.2.1. Phân loại theo tác nhân gây bệnh

– Do các khối u tân sản (neoplasms), u sắc tố.

– Bệnh da nguồn gốc miễn dịch, di truyền: lupus ban đỏ hình đĩa.

– Khuyết tật di truyền hoặc phát triển.

– Nhiễm vi sinh vật: vi khuẩn (vi khuẩn gây mủ, lao); nấm kerion; virus (zona); protozoa [leishmania (đơn bào)].

– Tổn thương do lý, hóa học, bỏng và rụng tóc do các chấn thương khác.

2.2.2.2. Phân loại theo tổn thương giải phẫu bệnh.

– Nhóm 1: thâm nhiễm bạch cầu lympho.

+ Lupus ban đỏ mạn tính (DLE).

+ Lichen phẳng quanh nang lông (lichenplanopilaris-LPP).

+ Rụng tóc có sẹo lan tỏa trung tâm (Centra centrifugal cicatrical alopecia-CCCA), Alopecia mucinosa.

– Nhóm 2: thâm nhiễm bạch cầu đa nhân trung tính.

+ Viêm nang lông Decalvans (giai đoạn viêm của CCCA).

+ Viêm mô bào (Dissecting cellulitis).

– Nhóm 3: thâm nhiễm bạch cầu lympho và đa nhân trung tính.

+ Trứng cá sẹo lồi.

+ Trứng cá loại tử.

+ Viêm da mụn mủ trợt (Erosive pusstular dermatitis).

3. MỘT SỐ KỸ THUẬT CHẨN ĐOÁN RỤNG TÓC

3.1. Quy trình khám cần thiết

Thăm khám chung tình trạng của tóc, da đầu và các bộ phận liên quan như móng, lông có thể sơ bộ phân loại rụng tóc.

– Test kéo tóc để đánh giá mức độ tiến triển của rụng tóc: nắm khoảng 50-60 sợi tóc của giật mạnh từ gốc đến ngọn. Test dương tính khi 6 sợi tóc bị rụng, chứng tỏ quá trình rụng tóc đang tiến triển. Tuy nhiên, nếu như 3 sợi tóc bị rụng ở một số vùng khác nhau của da đầu, test này cũng được cho là dương tính.

– Soi thân tóc dưới kính hiển vi.

– Soi tóc băng máy soi da dermoscopy.

– Sinh thiết: chỉ định bắt buộc trong trường hợp trụng tóc có sẹo.

3.2. Các quy trình khám hữu ích khác

3.2.1. Trichogram (test nhổ tóc)

Đây là phương pháp định lượng tóc rụng bằng cách so sánh tỉ lệ tóc tiến triển từ giai đoạn tăng tiến triển đến giai đoạn ngừng triển và giai đoạn thoái triển.

– Để chính xác, bệnh nhân không được gội đầu trong 3-4 ngày, không uốn xoăn hay nhuộm tóc 6 tuần trước khi làm test.

– Kẹp 25-50 sợi tóc sát vào chân tóc bằng cái kẹp kim (needle holder) và nhổ mạnh theo chiều tóc. Phần chân tóc được đặt lên lam kính có nhỏ một giọt nước và phủ lá kính mỏng ở trên, sau đó soi dưới kính viển vi độ phóng đại 100.

– Kết quả:

+ 10-20% tóc ở giai đoạn thoái hóa: bình thường.

+ > 35% tóc ở giai đoạn thoái hóa: telogen effluvium (rụng tóc ở giai đoạn ngừng phát triển của tóc).

– Chân tóc sau khi nhổ có thể soi KHV với dung dịch KOH để tìm nấm.

3.2.2. Đếm tóc rụng

3.2.3. Soi tươi dùng KOH

Để phát hiện nấm tóc.

3.2.4. Xét nghiệm CLS

Công thức máu, định lượng feritin hoặc khả năng gắn kết sắt, hormon kích thích tuyến giáp và thyroxin.

(Tài liệu được biên soạn bởi TS.BS.Đỗ Thị Thu Hiền)