Danh mục
RỤNG TÓC ANDROGEN
(Androgenetic Alopecia-AGA)
1. ĐẠI CƯƠNG
Rụng tóc androgen (Androgenetic Alopecia-AGA) là thể rụng tóc thường gặp nhất ở cả nam và nữ. Rụng tóc kiểu hói nam (male pattern hair loss-MPHL), còn gọi là rụng tóc androgen ở nam giới, là rụng tóc phụ thuộc androgen và do gen quyết định. Rụng tóc kiểu nữ (female pattern hair loss-FPHL), còn được gọi là rụng tóc androgen ở nữ giới, được cho là cùng loại với MPHL. Tuy nhiên ảnh hưởng androgen đến FPHL không rõ ràng như ở MPHL và phân bố tóc rụng khác nhau ở 2 thể. AGA ở cả nam và nữ đặc trưng giai bởi đoạn tăng triển ngắn lại và giai đoạn thoái triển kéo dài, kèm theo nang tóc bị teo nhỏ.
1.1. AGA ở nam giới
Tỉ lệ rụng tóc AGA ở nam giới thay đổi đa dạng. Phần lớn đàn ông trong cuộc đời đều bị rụng tóc ở đường ngôi ở mức độ nhất định. Khoảng 50% nam và nữ sau tuổi 40 có thể bị rụng tóc tiến triển đến giai đoạn III. Nguy cơ rụng tóc kiểu hói nam phụ thuộc vào tiền sử gia đình bố, mẹ và ông bà. Nam giới có bố bị rụng tóc hói có nguy cơ bị rụng tóc hói gấp 2 lần so với người không tiền sử gia đình.
Sự khác biệt về chủng tộc ảnh hưởng đến tỉ lệ mắc AGA, AGA gặp ở người gốc châu Phi ít hơn 4 lần, ở người Hàn Quốc ít hơn 3 lần, và ở người gốc Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản ít hơn 1,5 lần so với các chủng tộc khác.
1.2. AGA ở nữ giới
FPHL ít gặp hươn MPHL (AGA ở nam chiếm khoảng 85% ở nữ khoảng 15%) nhưng ở điểm chung là tần suất mắc bệnh và độ nặng của bệnh đều tăng theo tuổi tác. FPHL thường ảnh hưởng bởi mãn kinh. Khoảng 40% phụ nữ da trắng ít nhiều bị rụng tóc kiểu hói nữ ở tuổi 70. FPHL ít gặp ở phụ nữ châu Á hơn.
2. CĂN BỆNH SINH HỌC
2.1. Rụng tóc androgen ở cả nam và nữ
Nguyên nhân của AGA vẫn chưa hoàn toàn được sáng tỏ. Sự tăng cường hoạt động của androgen trên nang tóc có yếu tố bẩm sinh di truyền (có gen nhạy cảm) là tác nhân hay gặp nhất trong AGA cả ở nam và nữ.
Bệnh do di truyền đa gen hoặc di truyền gen trội trên nhiễm sắc thể thường ở nam, di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể thường ở nữ. Phần lớn bệnh nhân (cả nam và nữ) có nội tiết bình thường nhưng vấn đề là ở chỗ có tăng biểu hiện của các thụ thể (receptors) androgen. Một số bệnh nhân có tăng androgen. Cơ thể tác động của androgen lên tế bào nang lông dẫn đến AGA chưa rõ.
Trong AGA, sợi tóc trưởng thành có sắc tố (gọi là tóc cuối) sẽ bị thay thế dần bằng tóc tơ (gần như không nhìn thấy) và không màu. Sự chuyển đổi này là kết quả của một quá trình liên tục, trong đó giai đoạn tăng trưởng của tóc ngắn lại (do giảm các cytokin duy trì giai đoạn tăng trưởng) làm cho sợi tóc ngắn hơn và mỏng hơn. Cuối cùng, khoản cách giữa giai đoạn thoái triển (rụng tóc) và giai đoạn tăng triển của tóc (mọc lại tóc mới) tăng lên, dẫn đến nhiều nang tóc không có tóc và làm mật độ tóc thưa hơn.
Dihyrotestosteron được hình thành từ testosterone dứơi tác dụng của enzym 5 alpha-reductase. Buồng trứng của nữ giới sản xuất cả hormon sinh dục nam testosteron và hormon sinh dục nữ estrogen. Nam cũng như nữ, bị rụng tóc loại AGA, có nồng độ 5 alpha-reductase cao trong máu, nhiều androgen receptors và ít enzym Cytochrome p-450 aromatase để biến đổi testosteron thành estradiol ở các nang tóc vùng trán.
Ở các tế bào nang tóc bệnh trên da đầu, hormon sinh dục dihyrotestosteron liên kết với androgen receptor cho ra phức hợp hormon-receptor kích hoạt sớm gen có trách nhiệm, tác động vào chu trình mọc tóc, làm cho giai đoạn tăng triển ngắn lại, các nang tóc trở nên nhỏ đi và sẽ tạo nên các sợi tóc ngắn, mỏng manh bao phủ ít da đầu. Sự phân bố khác biệt của androgen receptor ở các tế bào nang tóc trên các vùng da đặc hiệu vùng đầu của mỗi cá thể khác nhau liên quan đến di truyền, điều đó giải thích tại sao khi cấy các nang tóc ở vùng khác vào thì tóc có thể phát triển như bình thường.
Tóm lại, rụng tóc androgen gây ra bởi 2 yếu tố nội tiết và di truyền.
- Yếu tố nội tiết: tăng tiết androgen.
– Chu kỳ tóc ảnh hưởng bởi nội tiết: androgen.
-Testosteron tác động trên 2 mặt của nang lông:
+ Trên các tế bào hành tóc.
+ Trên các tế bào tuyến tiết bã.
- Yếu tố di truyền
– Tăng hoạt động của enzym 5 α-reductase Sản xuất dihydrotestosteron (DHT) quá mức.
– Tăng mức độ nhạy cảm của nang tóc với DHT ( tăng số lượng thụ thể androgen).
2.2. Rụng tóc androgen ở nữ
Ở phụ nữ, AGA có nguyên nhân phức tạp hơn. Rụng tóc AGA ở phụ nữ có thêm căn nguyên của thiếu chất trung gian thần kinh P. Chất trung gian thần kinh P xuất hiện nhiều trong giai đoạn tăng trưởng của tóc, có vai trò kéo dài giai đoạn tăng triển và làm chậm giai đoạn chuyển đổi và kích thích phân chia tế bào keratin. Chất trung gian thần kinh P hoạt động qua neurokinin 1 receptor (NK1 receptor). Sơ đồ sau giải thích cơ chế rụng tóc androgen ở nữ.
2.3. Sự khác biệt về cơ chế rụng tóc androgen ở nam và nữ
Sự khác biệt về cơ chế rụng tóc androgen ở nam và nữ
Cơ chế gây rụng tóc | Nam | Nữ |
Do gia tăng hormon (DHT) | +++ | + |
Do thiếu lưu thông máu (VEGF) | ++ | ++ |
Do thiếu Neuropeptides (Subs P)
Teo nang tóc Rút ngắn giai đoạn tăng triển |
+ | +++ |
3. LÂM SÀNG
Hình ảnh lâm sàng của AGA thường không khó nhận biết nếu rụng tóc mang tính chất kinh điển.
3.1. Rụng tóc androgen ở nam giới
Triệu chứng lân sàng,: tóc rụng thưa mỏng đi một cách từ từ, thường rụng tóc tạo thành một đường hình chữ M ở phía trước, ở vùng trán thái dương rồi rụng vùng đỉnh hậu quả là để lại một vành tóc ở hai bên và vùng chẩm của đầu. Vùng chẩm không bao giờ rụng tóc trong bệnh này. Bệnh này có nghịch lý là đàn ông bị AGA lan tỏa lại mọc nhiều lông giới tính thứ phát ở nách, mu, ngực, râu cằm.
Nằm 1951, Halminton lần đầu tiên đưa ra thang phân loại rụng tóc androgen ở nam từ typ I đến VIII. Theo phân loại của Hamilton typ I, rụng tóc dọc giờ trán, typ II rụng vùng trán và khởi đầu vùng đỉnh chẩm. Typ III, IV, V cả hai vùng liên hợp nối với nhau, hói hoàn toàn phía trên, còn lại tóc ở hai mặt bên và sau gáy thành một vành từ trước ra sau.
Năm 1975, Norwood đã ổ sung phân loại rụng tóc của Hamilton, thêm typ IIIa, Iva và Va, trong đó rụng tóc rõ hơn ở phần giữa của đường rìa chân tóc ở trán, và typ III vertex đặc thù bởi rụng tóc ở vùng đỉnh (vùng cạo trọc của các thầy tu) và thái dương trước nhưng không vượt quá typ III.
3.2. Rụng tóc androgen ở nữ giới
Tóc trở nên thưa dần trên toàn bộ da đầu, nhưng chủ yếu vùng đỉnh. Vùng tóc ở phía trước thường ít rụng hơn nên không thấy thay đổi đường chân tóc phía trán. Tóc ở vùng rụng mảnh hơn, ngắn hơn, trở thành lông tơ và teo hoàn toàn. Thường rụng tóc kiểu hói nữ không hói toàn bộ.
Phụ nữ trẻ bị AGA có các dấu hiệu nam tính hóa như có trứng cá, quá nhiều lông ở thân mình và vùng mặt, kinh nguyệt không đều.
Năm 1977, Ludwig đưa ra phân loại rụng tóc androgen ở nữ giới, đặc thù bởi tóc rụng lan tỏa ở vùng đỉnh đầu (vùng vương miện) nhưng vẫn giữ nguyên tóc ở đường chân tóc phía trán.
Năm 1994, Olsen nhận thấy rằng AGA ở phụ nữ không nhất thiết phải có rụng tóc lan tỏa ở đỉnh đầu mà có thể có rụng tóc ở phía trước gọi là thể rụng tóc chủ yếu phía trước hay rụng tóc kiểu cây thông noel. Phụ nữ cũng có thể có hình thái rụng tóc giồng nam giới, và nam giới có thể có hình thái rụng tóc của nữ giới.
Ở nam giới, AGA lại ảnh hưởng đến phần trán và phần đỉnh vì ở phần trán và phần đỉnh nồng độ enzym 5α-reductase cao, ở phần chẩm nồng độ enzym aromatase cao (nên giảm DHT). Ở phụ nữ bị AGA, phần trán không bị ảnh hưởng do nồng độ enzym aromatase cao.
Yếu tố nguy cơ và liên quan đến các bệnh khác: rụng tóc hói sớm thể vertexliên quan đến tăng nguy cơ bệnh mạch vành và kháng insulin đặc biệt ở đàn ông trẻ bị tăng huyết áp, béo phì và rối loạn mỡ máu. Rụng tóc hói sớm thể vertex cũng liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.
(Tài liệu được biên soạn bởi TS. BS.Đỗ Thị Thu Hiền)