Danh mục
BỆNH DA DO NẤM CHROMOBLASTOMYCOSIS
(Chromoblastomycosis)
1. ĐẠI CƯƠNG
Morades Pedroso lần đầu tiên ghi nhận Chromoblastomycosis tại Brazil vào năm 1911. Bốn năm sau, Medlar & Lane ghi nhận các trường hợp đầu tiên tại Mỹ (Boston). Hiện đã có một số nhầm lẫn trong đặt tên phù hợp cho bệnh này. Chromoblastomycosis được cho là liên qun chặt chẽ đến Blastomyces, tuy nhiên, sự phân chia tế bào không xảy ra thông qua nảy chồi (‘blasto-‘) mà là thông qua chia tách dọc bên trong tế bào, do đó tên sử dụng ưu tiên là “chromomycosis”. Tuy nhiên, một số tác giả đã lập luận rằng chromomycoses này cũng khó hiểu, bởi vì nó có ý nghĩa giống như phaeohyphomycosis và vì vậy họ thích thuật ngữ “Chromoblastomycosis”.
Chromoblastomycosis thường được tìm thấy trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới và đôi khi tại các vùng ôn đới như Mỹ, châu Âu và Canada. Nông dân, thợ mỏ và những người khác làm việc ở khi vực nông thôn có nguy cơ cao hơn so với dân số nói chung. Đàn ông 20-60 tuổi thường bị bệnh hơn, có thể là do tiếp xúc nghề nghiệp. 90% các trường hợp được ghi nhận có liên quan đến tiếp xúc nghề nghiệp.
2. CĂN SINH BỆNH HỌC
Có sáu chủng nấm có thể gây bệnh: Fonsecaea pedrosoi, Phialophora verrucosa, Cladosporium carrionii, Fonsecaea compacta, Fonsecare monophora và Rhinocladiella aquaspera. Nấm gây bệnh Chromoblastomycosis được tìm thấy trong đất và trong các nhà máy gỗ mục nát. Bệnh này thường liên quan đến chấn thương chi dưới, đặc biệt ở người không mang giày. Nấm xâm nhập trung bì và hạ bì. Các nấm này phát triển chậm, có độc lực thấp và dễ bị chết ở nhiệt độ 40-42C. Trong đáp ứng miễn dịch với nấm có sự mất cân bằng đáp ứng của Th1 và Th2, gia tăng kháng thể IgM và IgA. Kháng thể kháng melanin được tạo ra ở người bệnh nhiễm nấm. Sự sản xuất chất giống melani của nấm F.pedrosoi giúp nấm tránh được đại thực bào và các tế bào thực bào khác.
3. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Thời gian ủ bệnh: không được xác định. Tổn thương ban đầu là sùi, phì đại khối u, sẹo hoặc dạng sporotrichoid. Các tổn thương có thể xuất hiện hình vòng.
Vị trí: vị trí hay gặp nhất là ở chân (85%) và các vùng da hở như bàn tay, cánh tay, thân mình, mông, cổ, cẳng tay và mặt.
Biểu hiện lâm sàng điển hình chỉ một chi bị tổn thương với đặc điểm:
- Ban đầu là một sẩn hoặc nốt đỏ, không ngứa. Tiến triển chậm (hàng tháng hoặc năm) lan ra xung quanh hình thành một mảng sùi hoặc mảng u hạt.
- Mảng sùi hoặc mảng u hạt xung quanh quầng đỏ, giới hạn bờ rõ, trên có vảy hoặc không có vảy. Tổn thương có thể là nốt, với phần trung tâm hình thành sẹo. Nhiều tổn thương có thể kết hợp lại để tạo thành một khối đa nốt hoặc nhiều loại tổn thương có thể cùng tồn tại với các tổn thương nốt đảo vệ tinh xung quanh. Người ta cho rằng đó là hiện tượng tự lây nhiễm do cào xước.
- Phù hạch bạch huyết có thể gặp ở bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn.
- Bệnh không gây tổn thương cơ và xương.
- Thường không có triệu chứng cơ năng tại chỗ và triệu chứng toàn thân. Nếu tổn thương ở mặt hoặc lan tỏa, bệnh nhân có thể than phiền cảm giác ngứa và căng.
Ung thư tế bào gai có thể phát triển trên tổn thương loét mạn tính.
(Tài liệu được biên soạn bởi PGS. TS Lê Hữu Doanh của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội)