duitnow casino

Bài 49: Viêm nang lông

VIÊM NANG LÔNG

(Folliculitis)

ĐẠI CƯƠNG

Viêm nang lông là sự xâm nhập của các tế bào viêm vào thành và trong nang lông, tạo thành ổ mũ ở nang lông. Loại tế bào viêm xâm nhập vào nang lông tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh hoặc giai đoạn tiến triển của bệnh. Bệnh gặp ở bất kì chủng tộc nào, tỷ lệ nam, nữ tương đương, xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Nguyên nhân viêm nang lông có thể là do nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng) hoặc không nhiễm trùng như hậu quả sau chấn thương, viêm hay bít tắc nang lông và gặp ở một số bệnh lí khác.

Một số yếu tố tăng nguy cơ viêm nang lông có thể là do cao râu, tình trạng suy giảm miễn dịch, các bệnh da có từ trước, sau sử dụng một số kháng sinh kéo dài, quần áo chật, bí, tiếp xúc môi trường ẩm, đái tháo đường, béo phì, sử dụng thuốc ức chế receptor tăng trưởng biểu bì…

Viêm nang lông gồm 2 loại:

–   Viêm nang lông nông: là tình trạng viêm chỉ giới hạn ở phần phễu của nang lông. Bệnh khởi phát cấp hoặc mạn tính, thương tổn là các sẩn đỏ, mụn mủ kèm ngứa hoặc gây khó chịu, bệnh thường tự giới hạn.

–   Viêm nang lông sâu: là tình trạng viêm ở phần sâu của nang lông và phần trung bì quanh nang lông. Viêm nang lông sâu có thể xuất phát từ thương tổn mạn tính của viêm nang lông nông. Biểu hiện lâm sàng là các kén, cục, đôi khi chảy mủ và thường kèm theo đau nhức. Các thương tổn tái phát hoặc tồn tại dai dẳng có dẫn đến sẹo và rụng lông tóc vĩnh viễn.

Xem thêm:  Bài 83: Bệnh lupus ban đỏ

Trong giới hạn bài viết này, tập trung chủ yếu vào viêm nang lông do nhiễm trùng (nhóm nguyên nhân phổ biến nhất).

VIÊM NANG LÔNG DO VI KHUẨN

  • Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Tụ cầu vàng (S.aureus ) cầu khuẩn gram dương là nguyên nhân thường gặp gây viêm nang lông.

Trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa) là một trực khuẩn gram âm cũng hay gặp trong viêm nang lông. Đặc biệt ở những bệnh nhân có thói quen tắm bồn nóng (hot tub folliculitis), bể bơi. Trong thể viêm nang lông này, bệnh nhân tiếp xúc với các nguồn nước có chứa trực khuẩn mủ xanh do không đủ lượng thích hợp Clo, Brom và độ pH trong nguồn nước. Hơn nữa, việc dùng bông tắm, khăn nylon hoặc găng tay cao su nhiễm khuẩn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, các vi khuẩn gram âm khác cũng có vai trò gây viêm nang lông như Klebsiella, Enterobacter và Proteus, thường liên quan đến tình trạng sử dụng kháng sinh kéo dài đặc biệt là tetracyclin trong điều trị trứng cá trước đây.

Các yếu tố nguy cơ như: viêm mũi họng mạn tính, bít tắc nang lông, tiết nhiều mồ hôi, bệnh lý da có sẵn, dùng corticioid tại chỗ kéo dài, dùng kháng sinh kéo dài, cạo râu thường xuyên, tắm quá nóng hoặc mặc đồ bơi nóng bí.

  • Lâm sàng

Thương tổn cơ bản là các sẩn đỏ và sẩn mủ ở nang lông, thường kèm ngứa. Thương tổn có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào có lông, tóc. Tuy nhiên, với căn nguyên gây bệnh khác nhau thì có vị trí ưu thế khác nhau. Viêm nang lông do tụ cầu vàng thương tổn chủ yếu ở vùng mặt và da đầu, có thể gặp ở phần trên của thân mình, mông, chân cũng như các nếp kẽ. Viêm nang lông do tụ cầu kháng methicillin, thương tổn hay gặp ở vùng ngực, hai bên sườn, bìu và quanh rốn.

Xem thêm:  Bài 99: Sẩn ngứa do ánh nắng

Viêm nang lông ở vùng râu hay còn gọi là sycosis thường là viêm nang lông sâu, biểu hiện là các sẩn, kén mủ kèm đau.

Viêm nang lông do trực khuẩn mủ xanh thường gặp ở người tắm bể nước nóng. Thương tổn là các dát, sẩn, mủ nang lông kèm ngứa ở vùng thân mình, mông-vùng tiếp xúc khi mặc đồ tắm, xuất hiện sau 8-48 giờ từ khi tiếp xúc với môi trường có trực khuẩn.

Viêm nang lông do Klebsiella,  Enterobacter và Proteus thường liên quan đến việc dùng kháng sinh kéo dài đặc biệt trong điều trị trứng cá, hay gặp thương tổn ở vùng má, quanh mũi.

VIÊM NANG LÔNG DO NẤM

  • Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Malassezia, nấm sợi và nấm Candida albicans có thể gây viêm nang lông.

Có nhiều chủng Malassezia trong viêm nang lông như M.globosa, M.sympodialis, M.furfur và M.restricta. Bệnh hay gặp ở nam giới, tuổi vị thành niên và ở vùng có khí hậu nóng ẩm. Tình trạng tăng tiết bã, mồ hôi là yếu tố thuận lợi cho viêm nang lông do Malassezia. Dùng kháng sinh tại chỗ toàn thân kéo dài hoặc suy giảm miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nấm Trichophyton, Epidermophyton và Microsporum cũng có thể gây viêm nang lông. Các loại nấm này có thể gây viêm nang lông tiên phát hoặc thứ phát sau nấm da nhẵn. Cạo lông, dùng corticoid tại chỗ và tình trạng suy giảm miễn dịch là các yếu tố nguy cơ.

Viêm nang lông do nấm Candida xảy ra ở cả bệnh nhân bị nhiễm candida máu hoặc người khỏe mạnh.

  • Lâm sàng

Viêm nang lông do Malassezia thương tổn là các sẩn nang lông đồng nhất kèm ngứa, gặp ở mặt, lưng, mặt duỗi tay, ngực, cổ.

Xem thêm:  Bài 36: Bệnh hạt cơm

Viêm nang lông do nấm sợi thương tổn là các mụn mủ nang lông bao quanh bởi sẩn đỏ, thương tổn hóa mủ hay u hạt tùy thuộc vào độ nông sâu. Vị trí hay gặp ở một bên chân gặp ( u hạt của Majochi – Majochi’s granuloma) ở những phụ nữ có thói quen cạo lông chân hoặc ở cẳng tay, bàn tay, rụng lông tóc là thường gặp.

Viêm nang lông do Candida thường là các mụn mủ nang lông lan rộng.

VIÊM NANG LÔNG DO VIRUS

  • Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm nang lông do vius ít gặp và thường do Varicella zoster virus (VZV), một số có thể do Herpes Simplex virus (HSV1 hoặc 2), hiếm gặp hơn là Molluscum contagiosun virus (MCV).

Yếu tố thuận lợi chủ yếu là tình trạng suy giảm miễn dịch.

  • Lâm sàng

Viêm nang lông do Herpes thương tổn khá đa dạng, các sẩn, mảng đỏ, mụn nước, mụn mủ, sẩn mụn nước, thường tập trung thành đám, trợt đóng vảy tiết, thường ở vùng râu.

Viêm nang lông do MCV ( Molluscum contagiosum virus) thương tổn là các sẩn mụn mủ với trung tâm lõm.

VIÊM NANG LÔNG DO KÍ SINH TRÙNG (DEMODEX)

Vai trò của demodex folliculorum gây viêm nang lông còn nhiều tranh cãi vì kí sinh trùng này thường cư ngụ trong nang lông tuyến bã của da bình thường.

Viêm nang lông do demodex thường được chẩn đoán ở người lớn nhưng cũng có thể gặp trong thương tổn sẩn  mủ vùng mặt ở trẻ em.

Tình trạng suy giảm miễn dịch là yếu tố nguy cơ.

Lâm sàng là các thương tổn mụn mủ, sẩn đỏ ở vùng mặt giống như trong trứng cá đỏ, một số có tổn thương cục, nang viêm.

(Tài liệu được biên soạn bởi BS, Nguyễn Thị Tuyến của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội)