duitnow casino

Bài 79: Bệnh da nghề nghiệp

BỆNH DA NGHỀ NGHIỆP

( Occupational skin disease)

1. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh da nghề nghiệp là những bất thường về da do các tác nhân trong môi trường làm việc gây ra hoặc làm nặng thêm. Các yếu tố gây bệnh có thể là các hóa chất, yếu tố vật lý hay vi sinh vật, côn trùng. Bệnh tương đối phổ biến, chiếm tới 50% bệnh nghề nghiệp nói chung, trong đó có 90% là do hóa chất gây nên. Mặc dù số lượng mắc bệnh nhiều nhưng đa số không được ghi nhận dẫn đến số lượng thống kê không chính xác. Ngày nay, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, vấn đề công nghiệp hóa, ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong sản xuất dẫn đến tình trạng các bệnh da nghề nghiệp ngày một nhiều, bệnh cảnh lâm sàng ngày càng đa dạng. Do vậy, việc chẩn đoán và điều trị bệnh ngày càng trở nên phức tạp.

2. NGUYÊN NHÂN

Rất nhiều tác nhân trong môi trường làm việc có thể gây nên bệnh da nghề nghiệp và đôi khi xác định nguyên nhân cụ thể gặp khó khăn.

Hóa chất: hầu hết nghề nghiệp đều có tiếp xúc hóa chất và có nguy cơ bị bệnh da nghề nghiệp do hóa chất. Các hóa chất thường gặp gây bệnh là chất tẩy rửa, phụ gia thực phẩm, thuốc nhuộm màu, chất thải sinh hoạt và y tế, hóa chất cao su và các dẫn xuất phenylenediamine,…

Kim loại: công nhân trong các ngành luyện kim, mạ kim loại, công nhân xây dựng…dễ bị bệnh nghề nghiệp do kim loại gây nên trong đó hai tác nhân chính là niken và crom.

Vật lý:

Chấn thương cơ học

Nhiệt độ môi trường nóng, lạnh

Môi trường ẩm ướt

Ánh nắng mặt trời

Sinh vật

Vi khuẩn: tụ cầu, liên cầu, lao da,…

Virus: HSV, HPV…

Nấm

Ký sinh trùng: giun sán, các loại chân đốt.

Bệnh da nghề nghiệp và các tác nhân thường gặp

Tác nhân Nghề nguy cơ Biểu hiện da
Hóa chất Mọi nghề nghiệp Viêm da tiếp xúc kích ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Tác nhân gây chà xát, chấn thương, rách da Công nhân xây dựng, thợ mộc, công nhân thép Sẹo lồi, rối loạn sắc tố sau viêm, làm nặng các bệnh lý có sẵn như lichen phẳng, vảy nến (hiện tượng Koebner)
Ánh nắng mặt trời Những nghề làm việc ngoài trời Dày sừng ánh nắng, BCC, SCC, bỏng nắng, viêm da dị ứng do ánh nắng, làm nặng SLE, DLE, porphyrin,…
Hơi nóng Đúc kim loại, làm việc ngoài trời Miliaria (rôm), viêm nang lông, quanh móng
Ẩm ướt Đầu bếp, pha chế đồ uống, rửa bát, cắt tóc Viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm quanh móng
Cây họ Rhus ( sồi, thường xuân) Người làm việc ngoài trời Viêm da tiếp xúc dị ứng, mày đay tiếp xúc
Điện Công nhân điện, công nhân xây dựng Bỏng, hoại tử da
Bức xạ ion hóa Nhân viên y tế, công nhân điện nguyên tử Ung thư da, viêm da tia xạ cấp/mạn, rụng tóc, tổn thương matrix móng.

3. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Bệnh da nghề nghiệp rất đa dạng và có thể có nhiều biểu hiện trên cùng bệnh nhân. Dưới đây là các bệnh lý thường gặp.

3.1. Viêm da tiếp xúc kích ứng

Do các tác nhân gây tổn thương hàng rào da mà không qua cơ chế đáp ứng dị ứng miễn dịch. Tổn thương xuất hiện ngay tại vị trí tiếp xúc, thường là vùng da hở không sử dụng bảo hộ lao động. Bệnh lý thường xảy ra với nhiều người cùng làm việc trong một môi trường.

Bệnh có thể xuất hiện cấp tính ngay sau khi tiếp xúc các tác nhân là acid, kiềm mạnh hoặc bán cấp sau nhiều ngày đến nhiều tháng với các tác nhân nhẹ hơn như nước, chất tẩy rửa, xà phòng.

Biểu hiện cấp tính của viêm da tiếp xúc kích ứng do nghề nghiệp là đau, mụn nước, chảy dịch trong khi biểu hiện bán cấp, mạn tính là đỏ da, khô da, lichen hóa. Tổn thương có đặc điểm ranh giới rõ, thường ở một bên và không có tính chất đối xứng, nặng hơn ở vùng da mỏng ( mu tay nặng hươn lòng bàn tay).

Viêm da tiếp xúc kích ứng

Tác nhân Nghề nguy cơ Lâm sàng và chẩn đoán
Kích ứng mạnh ( xảy ra ngay lập tức): acid / base mạnh, kim loại nặng Công nhân chất bán dẫn, nhà máy hóa chất -Cơ năng: đau, bỏng rát

-Tổn thương: bọng nước, loét, hoại tử

-Vị trí: tai chỗ, nặng ở vùng da mỏng

-Chẩn đoán: giảm khi loại bỏ tác nhân, không dùng test áp

Kích ứng nhẹ ( cần thời gian tích lũy): xà phòng, dung môi, chất tẩy, dâu tổng hợp, nhiệt độ, ánh nắng. Điều dưỡng, nha sĩ, người phục vụ, rửa bát, chế biến thực phẩm bằng tay, giết gia súc. -Cơ năng: đau rát tăng dần, có thể ngứa.

-Tổn thương: mụn nước, đỏ da, vảy da, vết nứt.

-Vị trí: tai chỗ

3.2. Viêm da tiếp xúc dị ứng

Là bệnh lý xảy ra do đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào khi tiếp xúc với các tác nhân có tính kháng nguyên. Tổn thương cũng biểu hiện ở vùng da hở nhưng có thể xuất hiện ở cả các vị trí khác. Tỷ lệ người bị bệnh trong cùng điều kiện môi trường làm việc khác nhau giữa các loại tác nhân : 6% dị ứng Nikel ( có trong hầu hết các loại hợp kim), 10 – 17% dị ứng với latex,… Nhạy cảm với một hóa chất có thể làm tăng nguy cơ dị ứng với các loại hóa chất khác có liên quan.

Viêm da tiếp xúc dị ứng do nghề nghiệp biểu hiện là ban đỏ, mụn nước, phù nề. Triệu chứng ngứa là đặc điểm nổi bật của bệnh.

Đối với viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh nắng, trước đó bệnh nhân tiếp xúc với chất làm tăng nhạy cảm ánh nắng, thường gặp là thực vật ( chanh, cần tây, cây họ cúc), hydrocarbon ( than đá, hắc ín, antraxen), thuốc ( tetracyclin, lợi tiểu thiazide, phenothiazine, sulfonamide), chất nhuộm màu. Bệnh thường gặp vùng hở như mặt, tay và tổn thương tồn tại lâu sau khi đã loại trừ tiếp xúc ánh nắng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Tác nhân Nghề nguy cơ Lâm sàng và chẩn đoán
Cây họ Rhus ( thường xuân, sồi) Lính cứu hỏa và những nguời làm việc ngoài trời. Thời gian: 5 – 28 ngày khi tiếp xúc lần đầu, 6 – 72h khi tiếp xúc lại.

Tổn thương: mụn nước, bọng nước.

Vị trí: vùng tiếp xúc và các vị trí khác.

Nhựa dính Công nhân ngành kỹ thuật cao ( máy tính, điện), công nhân truyền dẫn. Tổn thương; dát đỏ, mụn nước, đôi khi bọng nước.

Vị trí: mu tay, ngón tay/chân, vị trí khác do tay chà xát.

Chẩn đoán: test áp

Nikel Nha sĩ, thu ngân, chế tạo pin, công nhân điện, công nhân mỏ, công nhân dệt. Tổn thương: phát ban nhẹ, thường theo hình của vật tiếp xúc.

Chẩn đoán: test áp

Chrom Thợ hàn, thợ nhuộm, họa sĩ, công nhân thuộc da, công nhân sản xuất pin. Tổn thương: chàm, khô da, lichen hóa

Vị trí: lan tỏa, dai dẳng

Thuốc bôi: neomycin, benzocain, ethylenediamin. Nhân viên y tế, dược. Cơ năng: ngứa.

Tổn thương; mụn nước

Vị trí: vùng tiếp xúc

Chẩn đoán: test áp.

3.3. Trứng cá và viêm nang lông

Những người làm trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với than đá, dầu mỡ sẽ có nguy cơ cao bị bít tắc cơ hcj đơn vị nang lông tuyến bã dẫn đến hình thành trứng cá. Biểu hiện lâm sàng là các comedone, sẩn, mụn mủ ở vùng tiếp xúc với quần áo dính dầu mỡ như cánh tay, đùi, háng. Trứng cá do dầu mỡ cũng có thể làm nặng lên trứng cá thông thường trước đó ở mặt, cổ. Bội nhiễm vi khuẩn gây viêm nang lông là thường gặp.

Trứng cá do chlor ( Chloracne) hay gặp ở những người tiếp xúc với chlorinated naphthalen và biphenyls có trong các cáp điện và dầu thừa công nghiệp chứa chlorinated biphenyls. Nguồn gây bệnh quan trọng là chất diệt cỏ ( chất độc màu da cam – Agent Orange ) do Mỹ ném xuống Việt Nam ( 2 ,4, 5 –trichlorophenol gọi là 2, 4, 5-T ). Chất này đã bị cấm sản xuất và sử dụng ở Hoa Kỳ. Ngày nay, bệnh có thể xảy ra với công nhân ở các nhà máy sản xuất chất diệt cỏ và các tai nạn khi vận chuyển. Biểu hiện bệnh rất điển hình với nhiều mụn nhan trứng cá và các nang màu nhạt trên da vùng má dưới mắt, sau tai, ở ngực, lưng, các vùng da trên cơ thể mà không bị trứng cá thông thường ( acne vulgaris) như bụng, đùi, dương vật, bìu. Các nang màu vàng rơm được coi là triệu chứng đặc trưng của chloracne. Có thể có các mụn mủ và aops xe và khi khỏi để lại sẹo lõm. Các biểu hiện khác là viêm kết mạc mắt, có dử mắt ở mi mắt, móng nhiễm sắc màu nâu, lông mọc nhiều ( hypertrichosis), nhiễm sắc tố ở những vùng da bị tổn thương và da dễ bị trầy xước. Các thương tổn da có thể xuất hiện 5 tuần sau khi tiếp và nếu không tiếp xúc với chlor nữa thì các thương tổn sẽ mất đi trong khoảng 4 – 6 tháng. Đôi khi bệnh kéo daig hàng năm dù không còn tiếp xúc với chlor nữa. Chloracne không chỉ gây ra thương tổn ở da đơn thuần mà còn có thể gây nhiễm độc toàn thân, các phủ tạng như gan, thần kinh ngoại biên, bệnh porphyrin da muộn.

3.4. Ung thư da do nghề nghiệp

Ung thư da do nghề nghiệp thường là các ung thư không phải melanoma. Hay gặp nhất là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy ở những vùng da hở. Các tác nhân chính là tia cực tím, hydrocarbon thơm đa vòng, arsen, bức xạ ion hóa, chấn thương. Ít gặp hơn là angiosarcom ở những người hay tiếp xúc với polyvinuyl chloid, ung thư bàng quang ở những người tiếp xúc với thuốc nhuộm, ung thư phổi trên người làm quặng amiăng.

Nếu biểu hiện ban đầu là các ban dạng chàm, ngứa, khó phân biệt với viêm da tiếp xúc và thường bị chẩn đoán nhầm là viêm da tiếp xúc, viêm da thần kinh, chàm dạng đồng xu, vảy nến. Tuy nhiên, thương tổn dần dần thâm nhiễm thành mảng và cuối cùng là giai đoạn u.

3.5. Xạm da nghề nghiệp

Bệnh này hay gặp ở công nhân tiếp xúc với các chất như: than đá, xăng dầu, nhựa thơm.

Bệnh thường xảy ra qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: vùng tiếp xúc ( vùng hở) đỏ, rát.

Giai đoạn 2: xạm da khu trú như: quanh hố mắt giống đeo mắt kính đen, gò má, kẽ mũi má, xung quanh miệng, nang lông có nút sừng.

Giai đoạn 3: xạm da hình mạng lưới, teo da.

Toàn thân: mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, có thể có vàng da.

3.6. Một số bệnh da nghề nghiệp phân theo ngành nghề

3.6.1. Bệnh da nghề nghiệp trong nông nghiệp

* Viêm da mủ do vi khuẩn: thường xảy ra vào mùa cày cấy, thu hoạch mùa màng. Nguyên nhân do tạp khuẩn với biểu hiện lâm sàng là các mụn mủ, nhọt ở nang lông đôi khi có thể gặp những vết loét ở chân rất khó lành ( sâu quảng do vi khuẩn kỵ khí). Điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn phát triển là khi người lao động làm việc trong môi trường có nhiều bụi, ra mồ hôi nhiều, côn trùng đốt, đỉa cắn, các vết xước… lại có ít nước sạch để tắm rửa sẽ là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập gây ra bệnh.

* Viêm da do ấu trùng sán vịt: Thường xảy ra cho những nông dân làm ruộng nước có thả vịt. Nguyên nhân gây bệnh là một loại ấu trùng sán vịt hình thoi có đuôi đơn, đuôi kép ở phía sau. Ấu trùng này lúc đầu sống ở cơ thể ốc, khi vịt ăn ốc thì ấu trùng có thời gian sống trong ruột của vịt sau đó theo phân của vịt ra ngoài và bám vào da người để gây bệnh.

Lâm sàng với các tổn thương ở vùng da lội nước với những sẩn màu đỏ riêng rẽ bằng đầu đinh ghim trông tựa như muỗi đốt, đến ngày thứ 2 – 3 tổn thương trở lên đỏ sẫm. Triệu chứng cơ năng là ngứa, ngứa có thể kéo dài nhiều ngày gây khó chịu và mất ngủ cho người bệnh.

Ngoài ra các hóa chất dùng trong nông nghiệp như: thuốc trừ sâu, các loại phân bón và hóa chất sử dụng trong nông nghiệp gây viêm da, nhiễm độc dị ứng, đỏ da toàn thân.

Ví dụ như bệnh da nghề nghiệp do phân lân hay phân hỗn hợp NPK thì hơi của phân bay lên gây viêm bờ mi, kết mạc mắt đỏ, da mặt đỏ xuất hiện cùng với mụn nước tập trung thành từng đám kèm theo rất ngứa, càng gãi ngứa lại càng tăng lên, có thể bội nhiễm. Khi ngừng tiếp xúc với phân lân vài ngày thì bệnh sẽ giảm và khỏi hẳn nếu không tiếp xúc lại.

Do vôi hay nitrat: tại các vùng tiếp xúc xuất hiện sẩn da cam ở nang lông. Các sẩn tồn tại rất lâu kể cả khi ngừng tiếp xúc với vôi.

Thuốc trừ sâu: DDT, do photox, 666… thường gây viêm da kích ứng, đôi khi còn gây nhiễm độc dị ứng thậm chí đỏ da toàn thân nặng có thể gây ra tử vong.

3.6.2. Bệnh da nghề nghiệp trong ngành xây dựng

Viêm da do xi măng là do trong xi măng có crom, coban hay các chất phụ da khác ( nhằm làm tăng khả năng đông kết cũng như chống mòn của xi măng) gây ra viêm da tiếp xúc. Chúng ta có thể xác định bằng cách sử dụng đèn Wood để chiếu nếu trên da còn tồn lưu xi măng thì chất crom, coban sẽ phát huỳnh quang. Ngoài ra, còn sử dụng test áp, test nhỏ giọt để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh biểu hiện bằng dát đỏ, dày sừng, bong vảy, ngứa chủ yếu ở lòng bàn tay bàn chân. Sau khi ngừng  tiếp xúc xi măng, tổn thương có thể tồn tại lâu đến nhiều tuần, nhiều tháng.

3.6.3. Bệnh da nghề nghiệp trong ngành dầu mỏ, ngành than

Trong những ngành công nghiệp này người lao động chủ yếu tiếp xúc với các chất hydrocacbon, các chất hữu cơ, oxygen, sulfua, nitow… Sau đó qua công nghiệp hóa dầu cho các sản phẩm như xăng, dầu hỏa, dầu ma dút, dầu nhờn, nhựa dầu hỏa (hắc ín), các chất dẻo tổng hợp…

Khi tiếp xúc vứi dầu và các dẫn chất của dầu công nhân có thể bị các bệnh da với triệu chứng khác nhau như: viêm da tiếp xúc, sạm da nhiễm độc, trứng cá do dầu, viêm nang lông, dày sừng…

3.6.4. Bệnh da nghề nghiệp trong ngành hóa chất

Ngành hóa chất là một trong những ngành công nghiệp có nhiều công nhân mắc các bệnh da do nghề nghiệp, các hóa chất này có thể gây viêm da tiếp xúc kích úng cũng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng.

Ví dụ: khi công nhân tiếp xúc với dầu thông qua chàm, tiếp xúc với acid nitric gây rụng lông, tóc đổi màu, tiếp xúc với clo gây trứng cá, tiếp xúc với H2SO4 gây loét da, tiếp xúc với phospho gây hoại tử da…

Viêm da tiếp xúc kích ứng với hóa chất thường gặp ở đa số công nhân làm việc trực tiếp với hóa chất đó trong điều kiện làm việc giống nhau. Trong khi viêm da tiếp xúc dị ứng do hóa chất chỉ xảy ra đối với một số người. Ở những người này khi hóa chất ngấm vào da sẽ gắn vào protein của cơ thể để trở thành dị nguyên, gây dị ứng và xuất hiện tổn thương xa vùng tiếp xúc. Để chẩn đoán xác định sử dụng test áp da.

3.6.5. Bệnh da trong ngành y tế – dược phẩm

Quang tuyến X: viêm da cấp tính do quang tuyến X thường gặp ít, trong khi viêm da mạn tính lại rất hay gặp, sau nhiều năm lành nghề. Các triệu chứng đầu tiên là đỏ da, thường ở các ngón tay dần dần trở thành đỏ tím, mất tính đàn hồi, teo chậm nhưng ngày môt nặng thêm, cùng với việc tăng sắc tố và tổn thương ở móng gây ra các khía dọc, ngang, móng mủn, xỉn màu, dễ vỡ và gẫy vụn. Các tổn thương da tiến triển qua nhiều năm, da ngày càng lichen hóa, đôi khi có loét và rất khó liền sẹo.

Bệnh da nghề nghiệp do tia phóng xạ với bệnh cảnh lâm sàng tương tự như viêm da mạn tính do quang tuyến.

Phản ứng dị ứng với latex cũng thường gặp với biểu hiện dát đỏ, ngứa, chảy dịch. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng có thể đồng thời bị viêm da tiếp xúc kích ứng với các chất khác không phải latex có trong găng tay.

Các tác nhân khác như thuốc và hóa chất dùng trong y tế, các loại nhiễm trùng da lây nhiễm từ bệnh viện cho các nhân viên làm trong ngành y.

3.6.6. Một số bệnh da nghề nghiệp do các tác nhân khác:

Ngành dệt, ngành may, công nghiệp thực phẩm, ngành thể dục thể thao, ngành lâm nghiệp ( viêm da tiếp xúc ở những người hái điều, người cạo mủ cao su).

4. CẬN LÂM SÀNG

4.1. Test áp (patch test)

Cách làm:

Chất nghi ngờ được tán nhỏ, mịn gióng như bột, không có cạnh sắc.

Pha chất nghi ngờ gây bệnh trong nước muối sinh lý, nước cất, lanolin, vaselin, aceton… Nồng độ pha loãng 1 – 2%.

Cho chất nghi ngờ vào miếng gạc 1 cm2.

Áp vào vùng da không có tổn thương ở mặt trong cẳng tay, cánh tay, vùng sau lưng dọc theo hai bên cột sống dưới xương bả vai, sau đó miếng gạc được giữ chặt băng dính.

Không tắm nước vùng thử nghiệm.

Đọc kết quả sau 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ.

Kết quả cụ thể:

Nếu đỏ đơn thuần vùng thử nghiệm cho kết quả nghi ngờ (±).

Nếu đỏ phù tai chỗ (+).

Đỏ, sẩn phù (+).

Đỏ, sẩn phù, bọng nước hay mụn nước, bọng mủ (+++).

Khi làm phản ứng test áp với nhiều chất nghi ngờ cùng một lúc có thể gây ra phản ứng mạnh, đôi khi tổn thương xuất hiện ở xa vùng thử nghiệm và phải chú ý loại bỏ yếu tố dị ứng do gạc hay băng dính.

4.2. Thử nghiệm nhỏ giọt

Sử dụng rộng rãi khi chất tiếp xúc là hóa chất.

Ưu điểm: dễ thực hiện, gần phù hợp với điều kiện sản xuất.

Vùng da thử nghiệm: da trên rốn, hạ sườn, hoặc mặt trong cẳng tay.

Cách làm: vẽ một vùng da đường kính 2,5 – 3 cm2

Trong vùng da đó nhỏ háo chất nghi ngờ gây bệnh có nồng độ từ 1 – 2% trong cồn 60º hay aceton. Sau khi nhỏ một thời gian, cồn và aceton sẽ bốc hơi còn để lại hóa chất tác động lên da và gây phản ứng.

Nghỉ  tại chỗ để đọc kết quả sau 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ.

Khi làm phản ứng không được tắm, rửa, lau chùi da.

Cả hai phương pháp test áp và thử nghiệm nhỏ giọt phải rất thận trọng khi đọc kết quả . Bởi vì mẫn cảm chéo và khi kết quả âm tính chưa loại trừ được do chưa đủ thời gian để hình thành phản ứng hoặc không giống như điều hiện làm việc thực tế của bệnh nhân. Cũng có thể là pha kháng nguyên chưa đúng dẫn đến nồng độ kháng nguyên chua đủ để gây phản ứng.

4.3. Đo pH da

Tính chất của hóa chất tiếp xúc là kiềm hay acid, pH da phụ thuộc vào ion H+ và OH ( pH da người lớn trung bình từ 4,9 – 5,9). Nghiên cứu pH da là nghiên cứu khả năng trung hòa của thượng bì đối với acid và kiềm. Tìm hiều pH da giúp cho chẩn đoán sớm và đề ra các phương pháp hữu hiệu để phòng bệnh da nghề nghiệp. Đo pH da cũng giúp xác định khả năng đẹm của da trong vai trò trung hòa kiềm, toan.

4.4. Một số xét nghiệm khác

Người lao động nghi ngờ bị bệnh da do hóa chất phải định lượng các chất đó trong máu, nước tiểu, tóc, móng như: asen, thủy ngân…

Sử dụng ánh sáng đèn Wood soi da nếu nghi ngờ chất tiếp xúc còn tồn tại lưu trên da như: goudron, xi măng ( có crom, coban), than đá, … thì thấy các chất đó phát huỳnh quang.

Phản ứng ngưng kết bổ thể huyết thanh bệnh nhân với chất nghi gây bệnh như sunfat kẽm…

Đếm bạch cầu ái toan trong dịch bọng nước ( bệnh dị ứng bạch cầu ái toan tăng, bệnh da nghề nghiệp do kích ứng thì giảm).

5. PHÒNG BỆNH

Khi thi tuyển công nhân, cần chú ý phải khám sức khỏe nếu có tiền sử dị ứng như viêm da cơ địa, hen, mày đay, sẩn ngứa, chàm,… Không được tuyển vào những nơi làm việc có nhiều hóa chất hoặc làm việc trong môi trường lao động nặng, Những người bị trứng cá hay viêm da dầu không nên làm việc trong môi trường có than dầu hay dầu mỡ, chất thơm,…

Sử dụng đồ bảo hộ lao động như quần áo, giày ủng, kính đeo, khẩu trang, mặt nạ, tạp dề, găng tay. Việc chọn đồ bảo hộ về chủng loại và chất liệu tùy thuộc vào nghề nghiệp và công việc của người lao động.

Khuyến khích người lao động thực hiện vệ sinh lao động: nhanh chóng loại bỏ quần áo dính dầu hoặc hóa chất, tắm rửa hàng ngày, bôi kem giữ ẩm sau khi vệ sinh.

(Tài liệu được biên soạn bởi PGS. TS. Nguyễn Văn Thường của Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội).

Xem thêm:  Bài 118: Dị sừng nang lông